Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Dạy học cá thể hóa ở lớp 4

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần khuyến khích việc sinh hoạt nhóm nhằm tạo điều kiện cho các em thể hiện ý kiến cá nhân trong tập thể, khuyến khích sự sáng tạo, năng động. Ảnh: Hạnh Du
Phương pháp dạy học là chức năng và công việc chuyên môn của giáo viên (GV). Tuy nhiên, GV phải dựa vào lí luận, những quy tắc kĩ thuật và phải vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp cá nhân.
Hiện nay, vấn đề lựa chọn phương pháp dạy học (PPDH) đối với GV vẫn còn gặp khó khăn nếu muốn đổi mới PPDH của mình. PPDH là cách thức hoạt động của GV, được thực hiện trong quá trình dạy học để tác động đến học sinh (HS), việc học của HS nhằm hướng dẫn các em học tập và giúp các em đạt mục tiêu học tập. PPDH tồn tại hiện thực trên lớp học, trong quá trình dạy học thực tế, chứ không phải trên giấy, trên sách hướng dẫn giảng dạy hoặc của người khác.
Đổi mới PPDH theo hướng tích cực hóa, cá thể hóa là GV phải biết lựa chọn PPDH phù hợp với thực tiễn, với trình độ HS, với mục tiêu của từng bài dạy. Điều đó có nghĩa là GV cùng HS của mình tạo ra và tiến hành PPDH ngay trên lớp, trong tiến trình bài học trên cơ sở thiết kế của GV đã nghiên cứu. Hiện nay, dạy học cá thể cần được GV quan tâm vì:dạy học cá thể là dạy cho từng HS học. Quan điểm sư phạm tiến bộ của thế giới ngày nay là “dạy học lấy HS làm trung tâm”. Yêu cầu người dạy phải quan tâm đặc biệt đến người học trên nhiều phương diện khác nhau trong quá trình dạy học, từ tâm sinh lý đến hoàn cảnh, sở trường sở đoản của HS.
Ví dụ: Dạy bàiChú Đất Nung (tập đọc lớp 4).Câu hỏi 3: Theo em, câu nói cộc tuếch của Đất Nung có ý nghĩa gì? dành cho HS khá giỏi trả lời. Dạy bài: Câu cảm (môn luyện từ và câu). HS trung bình dựa vào các tình huống bài tập cho sẵn để đặt câu. Còn HS khá, giỏi đặt được câu cảm theo yêu cầu bài tập với các dạng khác nhau (vui mừng, thán phục, đau xót, ngạc nhiên,…). Dạy bài: Tìm phân số của một số (môn toán). Có thể cho HS khá giỏi giải quyết tiếp bài tập 3 trong thời gian HS trung bình còn đang xử lý bài tập 2.
Có thể khẳng định rằng, dạy học cá thể có nhiều thuận lợi như GV đặt câu hỏi vừa sức với HS. Điều này giúp các em học yếu cảm thấy ham thích học. HS giỏi trả lời câu hỏi khó hơn giúp các em không nhàm chán và ham thích tìm hiểu. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít khó khăn do sĩ số HS còn đông, GV không theo dõi hết từng em. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Theo chúng tôi, để việc dạy học cá thể đạt hiệu quả cao, chúng ta phải giảm sĩ số HS ít đi (chỉ từ 35-40 em trở xuống) để GV có điều kiện sâu sát HS hơn. Trong quá trình dạy GV tiếp tục quan sát, khám phá đặc điểm tâm lý HS qua ngôn ngữ hành vi, quan hệ đối xử, ghi nhận đặc điểm và kết quả rèn luyện từng em qua từng giai đoạn. Ngoài ra GV phải hết sức tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao và thương yêu HS, quan tâm đổi mới phương pháp, sâu sát và am hiểu đặc điểm hoàn cảnh và sức học từng em trong lớp. Nên dành thời gian tiếp xúc với HS: trước, trong và sau giờ học để nắm bắt thông tin cá nhân và có biện pháp giáo dục phù hợp. Mỗi bài giảng cần có những phần thích ứng với từng đối tượng HS: giỏi, khá, trung bình, yếu. Có thang bậc đánh giá, cho điểm cụ thể cho từng loại đối tượng, căn cứ vào mức khởi điểm. Vì nếu áp dụng theo một công thức chung cho cả lớp sẽ không thấy được nỗ lực của những em yếu kém và không tạo động lực cho những em khá, giỏi. Nếu đánh giá đồng loạt là không công bằng. Tôn trọng những ý kiến cá nhân, cho dù ý kiến đó có khác suy nghĩ thông thường của người thầy hoặc có thể chưa đúng, chưa hay lắm. Khuyến khích các em phản biện, chấp nhận cách giải toán, làm bài tập khác cách giải thông thường miễn hợp logic và đúng đáp số. Hướng dẫn HS phương pháp tự học, có tư duy độc lập, biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình, chống lối học vẹt, học từ chương. Khuyến khích việc sinh hoạt nhóm, tạo điều kiện cho các em có dịp thể hiện ý kiến cá nhân trong tập thể, khuyến khích sự sáng tạo, năng động. Thực hiện môi trường học thân thiện để trẻ có cảm giác an toàn, vui tươi, hứng khởi trong việc học. Từ mối quan hệ thầy trò tốt đẹp, HS sẽ tự tin, mạnh dạn trao đổi với GV điều chưa hiểu hay vấn đề khó khăn trong cuộc sống. GV cần quan tâm lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và định hướng tư tưởng cho HS. Nếu GV cùng tham gia với HS một số hoạt động như: lao động, tập văn nghệ, làm báo, tham quan, cắm trại… sẽ hiểu HS hơn, tạo mối quan hệ gắn bó gần gũi và dễ dàng thực hiện phương pháp giáo dục cá thể hóa.
Tập thể GV khối lớp 4
(Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Bình Thạnh)

Nếu GV quan tâm chu đáo đến từng HS, quan tâm đến tâm lý, thái độ, mức độ ham thích của HS thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề khó khăn của HS trong quá trình học tập.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)