Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Dạy học theo nhóm

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường TH Lê Lai dạy học theo hướng CTH bằng cách dạy học theo nhóm. Ảnh trường cung cấp
Bác Hồ đã từng khuyên các thầy cô giáo khi dạy học phải căn cứ vào đặc điểm từng đối tượng, tôn trọng đặc điểm người học vì trình độ người học không đồng đều nhau. Điều này chính là dạy theo năng lực của từng đối tượng nhằm giúp học sinh (HS) học tốt hơn, phát huy hết khả năng của mình. Hay nói cách khác chính là dạy học theo hướng cá thể hóa (CTH).
Có nhiều biện pháp để thực hiện tốt việc dạy học theo hướng CTH như: dạy học theo nhóm, dạy học theo từng cá nhân, đầu tư cơ sở vật chất, giảm sĩ số lớp, thiết kế nội dung dạy học theo từng đối tượng học, hướng dẫn HS phương pháp tự học… Chúng tôi xin trao đổi một vài biện pháp thực hiện dạy học CTH bằng cách dạy học theo nhóm.
Ưu điểm của dạy học theo nhóm
Không thể phủ nhận khi dạy học theo nhóm theo định hướng CTH, HS sẽ được phát huy năng khiếu, sở trường, sở đoản của từng em. Giáo viên được chủ động hơn trong tiết dạy, có nhiều cơ hội làm việc với từng HS. Mặt khác, với cách làm việc theo nhóm, mỗi HS được phát triển khả năng tự học và tiến bộ theo nhịp học của riêng mình. Các em có dịp trải nghiệm niềm vui học và tự mình học lên những nội dung nâng cao hơn. Qua quá trình này các em dần phát triển ý thức tự chủ và độc lập, không chỉ giúp xây dựng năng lực học tập tốt và còn tăng cường khả năng tư duy sáng tạo.
Trong thực tế, khi thực hiện dạy học theo nhóm theo định hướng CTH, giáo viên thường thực hiện theo một số cách như sau: chia nhóm theo trình độ HS giỏi, khá, trung bình, yếu và cho bài phù hợp ở từng nhóm đối tượng; cách làm này được thực hiện thường xuyên trong các tiết học. Hoặc, trong một tiết dạy, em nào giỏi, làm bài nhanh thường được cho thêm bài, em nào trung bình, yếu thường được làm ít bài hơn. Hay các em thường được quy định ngồi theo nhóm theo các tên gọi như: nhóm xoài, nhóm lê, nhóm thỏ… Điều quan trọng khi thực hiện dạy học theo nhóm theo định hướng CTH là không làm HS mặc cảm, là mình yếu kém hay tạo cho các em tính tự cao, mà thông qua làm việc nhóm: mỗi HS đều cảm thấy tự tin khi hợp tác với bạn; mỗi HS được phát huy sở trường, sở đoản của mình; HS nào không có thế mạnh kỹ năng nào hoặc không am hiểu một vấn đề nào thì được trao đổi, học tập từ chính các bạn trong nhóm.
Một số cách chia nhóm dạy học theo hướng CTH
Chia nhóm theo số lượng: Giáo viên có thể sử dụng hình thức nhóm lớn (cả lớp) khi tổ chức cho HS trao đổi về một nội dung nào đó như giới thiệu kiến thức mới, dạy hát, dạy chủ điểm… Hoặc có thể chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có từ 4-8 em có cùng sở thích. Có thể chia nhóm các môn năng khiếu, tự chọn, nhóm các môn cơ bản, nhóm HS khá giỏi hỗ trợ HS yếu kém… Những HS cùng làm việc chung trong các nhóm này phải hoàn thành bài tập hoặc một hoạt động nào đó mà giáo viên đã giao. Cách chia này nhằm tổ chức dạy học theo các mục đích giáo dục và giảng dạy đối với các môn học khác nhau. Chia nhóm theo khả năng học tập: Những HS có cùng trình độ sẽ được xếp chung vào một trong bốn nhóm: giỏi, khá, trung bình và yếu và cùng thực hiện một nhiệm vụ. Với cách chia này sẽ giúp các em dễ dàng phản ánh được toàn bộ năng lực thực của mình. Giúp giáo viên có điều kiện hướng dẫn tận tình, nhất là đối với nhóm HS yếu kém. Trong khi nhóm HS giỏi có thể hoạt động độc lập. Các nhóm được thành lập kiểu này thường được áp dụng khi giáo viên cần dạy học theo đúng đối tượng, trình độ HS ở các môn học trong các giờ luyện tập, thực hành, củng cố lại kiến thức, và giáo viên cần phải giao bài tập cho phù hợp với trình độ của HS. Chia nhóm HS có nhiều trình độ khác nhau:Giáo viên có thể tiến hành như sau – chia một nhóm gồm 6 em cùng thực hiện nhiệm vụ “Giới thiệu về thành phố Đà Lạt”; trong đó, mỗi HS sẽ có nhiệm vụ riêng phù hợp với khả năng của mình như: em nào có kỹ năng sử dụng máy tính sẽ thực hiện tìm kiếm thông tin trên mạng, em nào thích đọc sách báo sẽ tìm kiếm thông tin ở thư viện, em nào có kỹ năng trình bày sẽ thực hiện báo cáo, em nào có năng khiếu vẽ, trang trí sẽ thực hiện trình bày sản phẩm… Với cách chia như vậy, giáo viên đã tạo điều kiện cho HS của mình được học tập dựa trên khả năng và thế mạnh của mình, sẽ giúp cho HS cảm thấy tự tin, hứng khởi, từ đó có sự say mê, tìm tòi, phát hiện kiến thức. Chia nhóm theo yêu cầu dạy học của giáo viên: Nhóm thành lập kiểu này là theo yêu cầu dạy học, vì sự phát triển của HS. Ví dụ những HS có khả năng xuất sắc về toán thì được giáo viên hướng dẫn cách học kết hợp nghiên cứu để phát triển tư duy độc lập. HS yếu thì được giáo viên trực tiếp hướng dẫn, sau một thời gian nếu tiến bộ sẽ được chuyển sang nhóm khác.
Ngoài ra, giáo viên có thể chia nhóm theo sở thích, năng khiếu của HS hoặc chia nhóm một cách ngẫu nhiên (khi tổ chức sinh hoạt lớp hoặc một hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm giúp đỡ các em phát triển những kỹ năng giao tiếp xã hội thông qua quá trình làm việc với những người bạn chưa thân quen hoặc chưa từng được tiếp xúc trong quá trình học tập).
Kinh nghiệm khi dạy học theo nhóm
Giáo viên không sử dụng duy nhất một cách chia nhóm: Mỗi cách chia nhóm đều có những tác dụng nhất định, việc chia nhóm HS là để giáo viên dạy tốt và trẻ ham thích việc học. Việc linh hoạt trong sử dụng các cách chia nhóm cho thấy rằng HS giỏi sẽ giảm tính kiêu căng, biết chia sẻ cùng các bạn nhưng vẫn có những lúc được thi thố tài năng với nhau khi cần thiết; HS trung bình, yếu cần biết học từ những bạn giỏi, thông minh để bản thân được tiến bộ dần. Do đó, sự thành lập nhóm phải luôn thay đổi, vẫn có thể tồn tại một số loại hình nhóm mà sau khi đạt được mục đích dạy học trong một tiết, một buổi hoặc một ngày hay một tuần thì có thể tự tan rã để chuyển sang loại hình nhóm khác. Cần nhận thấy rằng dạy học theo nhóm không phải là biện pháp duy nhất mà cần phối hợp với các biện pháp khác: để thực hiện tốt việc dạy học theo định hướng cá thể, ngoài tổ chức dạy học theo nhóm còn có nhiều biện pháp khác như cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, phương pháp dạy học… Các biện pháp đều có tác động qua lại và hỗ trợ nhau. Do đó, muốn phát huy được sức mạnh của dạy học theo nhóm cần có sự liên kết hỗ trợ giữa các biện pháp khác.
Có thể nói, điều cốt lõi của việc dạy học CTH bằng cách dạy học theo nhóm là giúp HS cảm thấy mình được tham gia vào quá trình dạy của giáo viên và được học thật sự cùng với một nhóm hoặc cùng cả lớp.
ThS. Nguyễn Vũ Ly
(Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Lai, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)