Hiện nay, việc vận dụng dạy học theo định hướng cá thể hóa gặp nhiều khó khăn từ các lý do khách quan như hoàn cảnh cơ sở vật chất và sĩ số HS. Ảnh: N.Q
|
Thực ra không phải đến bây giờ chúng ta mới dạy học theo hướng cá thể hóa. Tuy nhiên, trước đây mục đích của cá thể hóa chỉ tập trung vào một vài đối tượng HS yếu kém cho nên phương pháp cũng chưa triệt để, chưa “cá thể hóa” toàn bộ các đối tượng.
Bây giờ yêu cầu cá thể hóa được mở rộng hơn. Thế nhưng, hiện nay vẫn có người còn hiểu sai phương pháp này, có nghĩa là “không chịu thay đổi quan niệm”, cho rằng chỉ quan tâm tới vài đối tượng là đủ. Theo tôi, định hướng dạy học theo cá thể hóa là một chủ trương rất tốt, là yêu cầu mới, cần thiết trong giai đoạn hiện nay để làm sao dạy bám sát đối tượng và chú ý nhiều tới từng học sinh (HS) hơn.
Như vậy, muốn dạy theo phương pháp này, giáo viên (GV) phải biết nhìn theo từng đối tượng, không thể lấy cá thể chủ quan của thầy áp đặt cho trò. Lớp học phải có sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người học. Thầy làm việc, trò cũng hoạt động. Muốn vậy GV phải chuẩn bị trước (ở nhà) các nội dung dạy tùy theo mức độ khá – giỏi hay yếu – kém của từng nhóm. Ít nhất thầy cô phải biết “đặt hàng” trước cho từng nhóm và cả từng em. Cụ thể, các em HS phải làm những gì và làm như thế nào theo yêu cầu của GV càng chi tiết càng tốt. Yêu cầu này không khó vì các em có nhiều thời gian ở nhà để trao đổi và bàn thảo với nhau. Học nhóm cũng là con đường hướng đến từng cá thể nhưng GV phải biết tổ chức cách học nhóm. Từ trước đến nay khi thuyết trình GV thường chọn HS có năng lực nói, khả năng diễn thuyết ở nơi đông người mà “quên” đi một số em yếu kém, nhút nhát. Thầy cô cũng nên quan tâm, giúp các em yếu – kém xử lý tốt tình huống và rèn luyện kỹ năng nói. Đừng sợ các em nói sai mà cứ để các em tự tin và mạnh dạn trình bày. HS phát biểu dù đúng hay sai chúng ta đều phải ghi nhận, phải mở lòng. Hiện nay vẫn xảy ra tình trạng – trong giờ học GV hay cắt ngang lời nói HS vì thấy các em nói chưa đúng. Chính điều này làm cho các em nhụt chí, lần sau e ngại không dám nói nữa. HS nói sai GV cũng nói cảm ơn “các em đã có cố gắng hơn những lần trước”. Chỉ có như vậy các em HS mới hào hứng và tự tin thêm.
Muốn quan tâm tới nhiều đối tượng HS thì GV nên ra bài tập từ dễ đến khó. “Tận dụng” bài tập dễ cho đối tượng yếu – kém chứ không “ưu tiên” cho HS khá – giỏi. Ngay cả câu hỏi khó cũng yêu cầu tất cả HS động não trả lời. Thực tế cho thấy nhiều em HS bình thường cũng có khi trả lời được những câu hỏi khó vì “có những phút xuất thần” hoặc đó là sở trường của các em. Đây chính là “cơ hội” để GV khen ngợi sự tiến bộ dù so với các HS khác thì em này chưa bằng. Nên lấy chính em HS đó làm chuẩn mực chứ không lấy chuẩn mực từ các đối tượng khác. Trước đây, giờ học lý tưởng nhất là giờ học thầy nói trò im lặng ngồi nghe, nhưng bây giờ không còn phù hợp nữa. Dạy và học cần có sự “tương hỗ” từ hai phía. Trước đây chúng ta kiểm tra đánh giá kết quả học tập bằng định lượng chứ không bằng định tính, coi trọng điểm số nên HS nào đạt 8, 9 điểm mới được khen. Vì thế nhiều em HS học yếu luôn chịu áp lực nặng hơn.
Hiện nay, việc vận dụng dạy học theo định hướng cá thể hóa gặp nhiều khó khăn từ các lý do khách quan như hoàn cảnh cơ sở vật chất và sĩ số. Một lớp học diện tích chỉ có 48 m2 nhưng có trên 50 HS thì không thể áp dụng một phương pháp dạy tiên tiến hay hiện đại được. Các thầy cô dù đã được khoán chương trình nhưng kiến thức SGK vẫn nặng tính hàn lâm, ít tính thực hành nên ai cũng “chạy” cùng chương trình rất vất vả. Nhiều trường vẫn chưa có hồ bơi, sân đa năng thì làm sao phát huy được năng khiếu sở thích của từng HS. Thực hiện dạy học theo hướng tới cá thể hóa không thể nói là ai cũng làm được ngay.
Đỗ Văn Minh
(Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, TP.HCM)
Bình luận (0)