Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Hiểu như thế nào về dạy cá thể?

Tạp Chí Giáo Dục

GV lớp 2/1 Trường TH Linh Đông thảo luận trong tiết học cá thể hóa (ảnh do trường cung cấp)
Dạy học cá thể là dạy cho từng học sinh (HS). Dù trong lớp có nhiều HS, nhưng người giáo viên (GV) luôn quan tâm đến từng HS một, có những biện pháp phù hợp để tác động đến từng HS trong quá trình dạy học.
Cái tên gọi “dạy cá thể” xuất hiện từ năm học 2008-2009 và năm học này ít còn nghe cái tên ấy. Không nhắc đến không có nghĩa là GV không sử dụng mà sử dụng thường xuyên là khác, có khi sử dụng nhưng không hề biết mình đã sử dụng.
1. Đối với phân môn tập đọc chẳng hạn, để giúp HS hiểu bài, GV đã xây dựng một hệ thống câu hỏi: từ dễ đến khó. Câu dễ dành cho HS yếu, câu dần dần khó GV dành cho HS giỏi. Và đặc biệt câu rút ra nội dung chính của bài GV không thể nào gọi đến các em HS yếu, mà có thể các em yếu được quan tâm ở mức độ “em có thể đọc lại nội dung chính bạn vừa nêu” (nhưng ít nhất phải sau 2 hoặc 3 em đã lặp lại).
Đối với môn toán, GV thường huy động HS yếu lên bảng làm bài, thấy sai là GV sửa liền hoặc gợi ý để các em sửa; sau đó cho làm những bài tương tự để GV kiểm tra lại xem các em nắm vững bài chưa, trước khi cho các em thực hành vào việc giải toán. Bởi vì thông thường học về phép tính trong phạm vi nào, dạng nào là có bài toán giải kèm theo phép tính trong phạm vi đó, dạng đó, còn cách giải các em đã học rồi.
Ví dụ, ở lớp 1: Học phép cộng trong phạm vi 7, sẽ có bài toán dạng: Trong vườn nhà em có 6 cây chuối, ba em trồng thêm 1 cây chuối nữa. Hỏi trong vườn nhà em có tất cả mấy cây chuối? (HS thực hiện phép cộng: 6+1=7).
Sang lớp 2: Học phép cộng dạng 8 cộng với một số, sẽ có bài toán dạng: Hà có 8 con tem, Mai có 7 con tem. Hỏi cả hai bạn có bao nhiêu con tem? (HS thực hiện phép cộng: 8+5=13). Lên lớp 5: Học cộng số đo thời gian, sẽ có bài toán: Một người tham gia đua xe đạp, quãng đường đầu tiên đi hết 22 phút 58 giây, quãng đường thứ hai đi hết 23 phút 25 giây. Hỏi người đó đi cả hai quãng đường hết bao nhiêu thời gian? (HS thực hiện phép cộng: 22 phút 58 giây + 23 phút 25 giây = 46 phút 23 giây).
Tất nhiên cũng có những em HS mặc dù cách giải đã học rồi nhưng chưa chắc đã nhớ, GV cần có thêm thời gian hoặc có những câu hỏi gợi ý để các em giải (nhưng nhất thiết phải thực hiện phép tính – yêu cầu chính của bài học) trước khi giải toán (áp dụng).
Đối với phân môn tập làm văn, tuần 31 khối 3, câu 1: Tổ chức họp nhóm trao đổi ý kiến về câu hỏi sau: “Em cần làm gì để bảo vệ môi trường?”. GV chia nhóm theo trình độ: giỏi, khá, trung bình, yếu. Đối với nhóm giỏi, khá các em sẽ thực hiện dễ dàng và hoàn thành yêu cầu bài. Nhóm trung bình có thể cần câu hỏi gợi ý của GV. Còn nhóm yếu, GV có thể giúp các em “nói” thông qua những bức tranh trong sách đạo đức hoặc sưu tầm…
Với môn học vần lớp 1, GV cũng đã thực hiện dạy cá thể như: em yếu, GV cho các em đánh vần, khá hơn thì đọc từ, đọc câu. HS giỏi thì đọc cả bài. Về phần tìm từ có vần vừa học: Em giỏi thì tự tìm từ ngoài bài, em khá tìm trong bài, em trung bình tìm từ có vần trong số nhiều từ có vần khác nhau, em yếu thì gạch dưới vần trong từ GV đưa ra.
2. Việc thực hiện dạy cá thể của GV rất đa dạng, phong phú trong thực tế tiết dạy. Trong tiết có người dự giờ, GV thường tập trung 2 cách chính: Cách 1, chia nhóm theo trình độ HS: giỏi, khá, trung bình, yếu. Cách 2: làm cá nhân, mỗi em 1 phiếu học tập, GV phát phiếu cũng theo đối tượng HS, mỗi đối tượng là một màu khác nhau. HS càng yếu số bài càng ít, càng dễ.
Mỗi phương pháp dạy đều có những ưu điểm và những mặt hạn chế, với 2 cách trên nếu chúng ta sử dụng thường xuyên, các em sẽ phát hiện mình thuộc đối tượng là HS yếu, vô hình trung chính chúng ta thực hiện việc “phân biệt đối xử”, HS chưa thể hiểu hết ý tốt của GV là giúp đỡ cho các em nắm vững bài một cách chắc chắn hơn.
Một điều nữa là khi GV dạy bài dễ cho HS yếu trong thời gian nhất định đó nhưng quên dạy lại bài khó hơn sau đó, để rồi các em chưa được làm quen hết các dạng bài, và các em sẽ lúng túng khi làm bài kiểm tra định kì (vì bài kiểm tra định kì là bài dành chung cho tất cả các đối tượng học sinh) – Đó là một thiệt thòi cho các em.
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)