Giáo viên được chủ động dạy theo trình độ HS lớp mình phụ trách. Trong ảnh là tiết học đánh vần của HS lớp 1 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Ảnh: H.Triều
|
Đối với bậc tiểu học, định hướng cá thể hóa là phương pháp giảng dạy đem lại lợi ích cho người học và cả người dạy, trong đó có tiếng Việt – một bộ môn nền tảng của những năm đầu đời cắp sách đến trường.
Giảng dạy theo chuẩn chương trình với định hướng cá thể hóa môn tiếng Việt lớp 1 đang gặp nhiều thuận lợi khi một số khó khăn, vướng mắc đã được “cởi trói”. Ngoài các văn bản mang tầm vĩ mô của Bộ GD-ĐT như công văn 896 về hướng dẫn điều chỉnh và giao quyền chủ động cho giáo viên (GV) dạy học theo trình độ học sinh (HS) lớp mình, GV còn được “cọ xát” chuyên môn qua các hội thảo, chuyên đề: Dạy học theo chuẩn kiến thức – kỹ năng, cá thể hóa môn tiếng Việt lớp 1 và 2, các phương pháp dạy học tích cực. Đây chính là “cây gậy” dò đường và những “sân chơi” bổ ích giúp người đứng lớp xác định được phương hướng thực hiện dạy học theo hướng cá thể. Từng bài giảng không chỉ chú trọng “mặt bằng” kiến thức cần truyền đạt mà phải xác định được mức kiến thức tối thiểu và mức tối đa dành cho từng nhóm đối tượng HS.
Ví dụ: khi dạy bài 40 (vần iu-êu), tôi chia lớp thành 3 nhóm: Hoa vàng (nhóm chưa biết), nhóm Hoa cam (nhóm biết viết chữ cái) và Hoa hồng (nhóm đọc viết thành thạo). Qua cách học nhóm HS được hình thành kỹ năng biết hợp tác, biết chia sẻ trong từng công việc. Khi tổ chức lớp học, thầy cô rèn cho HS thói quen phát biểu ý kiến tham gia xây dựng bài tùy theo khả năng phát triển ngôn ngữ của từng cá thể. Đừng sợ các em nói sai, “Giỏi thì khen mà dở cũng không chê”. Nếu diễn đạt thiếu chính xác thì thầy trò cùng sửa lại. Không cần và cũng không nên để trẻ nói câu lệnh suôn sẻ, làu làu giống như người lớn đã “mớm” sẵn (điều mà thường thấy trong các tiết dự giờ do được chuẩn bị sẵn). Không chỉ mất đi tính thoải mái, hồn nhiên mà còn làm cho các em ngại nói vì khó diễn đạt trung thành ý của thầy cô. Mục đích bài dạy của từng nhóm cũng khác nhau: Phát triển tư duy sáng tạo qua việc tìm từ ứng dụng mới có vần vừa học (nhóm Hoa hồng), giúp HS ghi nhớ một cách chắc chắn các vần đã học (nhóm Hoa cam), giúp nhớ lại vần vừa học (nhóm Hoa vàng).
Trong quá trình học theo hướng cá thể hóa không chỉ nhóm nào học theo nội dung của nhóm đó mà phải mở rộng bằng cách các nhóm cũng lắng nghe và hỗ trợ cho nhau. Khi các em đứng lên trình bày sản phẩm của nhóm hay nhận xét nhóm khác, GV cần mở rộng “không gian” đánh giá để người học ai cũng có thể tham gia “tranh luận” tùy theo trình độ của mình. Đặt trường hợp, khi nhóm giỏi trình bày thì GV vẫn “lôi kéo” nhóm trung bình, yếu “vào cuộc” để các em nâng dần tư duy và sự tự tin chứ không được cố tình “bỏ quên”. Ngược lại, nhóm giỏi vẫn đưa ra nhận xét khi nhóm yếu trình bày để các em thấy mình được học ở mọi “cấp độ” khác nhau, nhất là từ dễ đến khó. Trong lúc hai nhóm làm việc, GV tranh thủ hướng dẫn nhóm Hoa vàng ghi nhớ và luyện lại cách viết văn vừa học qua trò chơi “Hãy lắng nghe”. Cách tiến hành các nhóm cũng không giống nhau: cho một em nhóm Hoa hồng ghi vần iu-êu, sau đó các em khác ghi tiếp từ mới (trĩu – nêu), cho các em nhóm Hoa cam đọc các từ có vần iu-êu (lều, líu, xíu, kêu), cho HS đánh vần theo GV các từ (rìu, phễu). Ngay cả dụng cụ học tập của các nhóm cũng khác nhau: bìa, bút dạ (nhóm Hoa hồng), bìa có gắn chữ (nhóm Hoa cam), bảng con (nhóm Hoa vàng).
Khi gặp những câu hỏi phù hợp với khả năng thì các em sẽ tự tin và tìm được chỗ đứng cũng như giá trị đích thực của mình trong tập thể. Mỗi đối tượng cần có cách dắt dẫn, gợi mở khác nhau để các em không bị “lạc đường” trong việc thẩm thấu tri thức. Việc xác định nội dung bài học cần đảm bảo tính hệ thống và đáp ứng mọi yêu cầu. Điều cần lưu ý là GV phân loại HS thật khéo léo nhằm tránh sự phân biệt đối xử giữa các nhóm (ví dụ qua trò chơi “Gió thổi”). GV luôn có ý thức hướng HS vào việc học tích cực bằng mọi cách, biết tự khám phá và tự giúp nhau để có một tiếng nói chung. Để đạt được mục tiêu tích cực, khi dạy tôi thường vận dụng giải pháp “Đôi bạn học tập” để các em đồng hành chiếm lĩnh kiến thức và cứu trợ cho nhau.
Theo tôi quan niệm, lớp học dù có nhiều HS nhưng người thầy luôn theo sát để uốn nắn dạy từng em một, không để xảy ra tình trạng HS ngồi không. Dạy theo trình độ từng nhóm đối tượng nhưng chúng ta phải đảm bảo mục tiêu của từng bài dạy, từng chương và cả chương trình qua những biện pháp phù hợp với từng cá thể.
Lê Thị Bích Loan
(GV lớp 1/4 Trường TH Đông Ba, Q.Phú Nhuận)
“Thực tế cho thấy, trong một lớp học không có sự đồng nhất giữa các HS mà có nhiều trình độ khác nhau (giỏi, khá, trung bình, yếu), vì thế GV không thể coi HS trong lớp là một “sản phẩm có cùng kích cỡ”. GV phải thực hiện việc phân loại HS tùy theo mức độ “thẩm thấu” của từng cá thể”, cô Lê Thị Bích Loan khẳng định.
|
Bình luận (0)