Học nhóm sẽ giúp HS chủ động trong quá trình học tập, tạo cơ hội cho các em có thể chia sẻ kiến thức với nhau. Ảnh: N.Q
|
Một trong những phương pháp nhằm phát huy tính chủ động của học sinh (HS) trong học tập là phương pháp học nhóm. Qua việc học nhóm, HS sẽ tạo được nhiều cách nghĩ, nhiều phương án hành động…
Từ đó, các em có thể trao đổi hỗ trợ cho nhau, đưa ra những ý kiến đóng góp riêng vào ý kiến chung, hợp tác với nhau tạo nên môi trường học tập cởi mở và hiệu quả. Cách thức này còn giúp HS chuyển từ thói quen chỉ nghe, ghi nhớ sang hình thức hoạt động, cùng nhau chủ động tìm kiếm, hình thành kiến thức bằng trí tuệ chung. Kỹ năng hoạt động tập thể và khẳng định được mình thông qua nhóm cũng từ đó được hình thành.
Thực tiễn cho thấy việc học nhóm có mục đích giúp HS phát huy được khả năng độc lập và sáng tạo trong quá trình cùng nhau hoạt động tại lớp hoặc tại nhà. Từ đó tăng cường sự trao đổi, phối hợp đồng thời rèn luyện các em kỹ năng diễn đạt trong giao tiếp, kỹ năng cùng chung sống. Để đạt được mục đích trên, theo chúng tôi, giáo viên (GV) cần thực hiện một số yêu cầu sau:
1. Xác định mục tiêu cần đạt qua việc tổ chức học nhóm: Thông qua việc học nhóm, HS sẽ phát huy được tính tích cực chủ động trong học tập trên cơ sở trao đổi để tìm tòi và phát hiện kiến thức. Chính vì thế GV phải xác định rõ mục tiêu cần đạt thông qua hoạt động nhóm là giúp các em hiểu được nội dung vấn đề, HS tích cực tham gia vào việc đóng góp ý kiến riêng của mình vào ý kiến chung, biết nhận xét, đánh giá ý kiến của bạn, tự tin khi phát biểu. GV cần lưu ý đến từng mục tiêu trong hoạt động để việc tổ chức học nhóm luôn có hiệu quả.
2. Tổ chức nhóm trong các hoạt động: Có thể chia nhóm ngẫu nhiên hoặc chia theo đối tượng HS giao cùng một nhiệm vụ hoặc giao những nhiệm vụ khác nhau. Hình thức chia nhóm có thể dùng dấu hiệu riêng để phân biệt như màu sắc, hình ảnh, mảnh bìa, mẫu vật… để thu hút HS tham gia xây dựng bài.
3. Số lượng HS trong mỗi nhóm không quá đông: Việc tổ chức nhóm nhỏ sẽ giúp tất cả HS đều được tham gia quá trình học tập. HS đều chủ động nêu lên ý kiến, suy nghĩ của mình mà không có sự áp đặt nào từ phía GV. Nhờ việc thảo luận trong nhóm nhỏ mà HS sẽ giảm bớt phần nào chủ quan, phiến diện, làm tăng thêm tính khách quan khoa học. Kiến thức vì thế mà trở nên sâu sắc, bền vững, dễ nhớ và nhớ nhanh hơn do được giao lưu, học hỏi giữa các thành viên trong nhóm. Tùy nội dung, yêu cầu mà GV lựa chọn số thành viên trong nhóm để việc học nhóm có hiệu quả.
4. Nội dung thảo luận phải phù hợp: Nội dung thảo luận không quá nhiều hoặc câu hỏi không quá vụn vặt và phải phù hợp đối tượng HS trên lớp. Yêu cầu đưa ra phải rõ ràng. Không nên đưa ra câu hỏi thảo luận mà nội dung đã có sẵn trong SGK.
5. GV phải chú ý đến hoạt động của nhóm trưởng: Nhóm trưởng sẽ là người điều khiển nhóm thảo luận, phải biết tổ chức, mời các thành viên trong nhóm phát biểu. Vì vậy, GV phải từng bước hướng dẫn, giao việc và điều chỉnh kịp thời.
6. Thời gian học nhóm phải hợp lý: Tùy theo nội dung yêu cầu mà GV lựa chọn thời gian thảo luận cho phù hợp.
7. Đồ dùng dạy học và đồ dùng học tập: GV cần chuẩn bị đồ dùng, sắp xếp bàn ghế phù hợp với hoạt động nhóm trong điều kiện cho phép.
8. Không khí trong học nhóm: GV cần tạo được không khí vui vẻ, cởi mở khi thảo luận, tránh gây căng thẳng. Hoạt động lao động hợp tác theo nhóm, hoạt động giao tiếp và có tính tích hợp là đặc điểm nổi bật của công việc lao động trong tương lai cũng như giúp phát triển năng lực con người lao động hiện đại.
Việc học nhóm được sử dụng rộng rãi sẽ giúp cho mọi HS tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập, tạo cơ hội cho các em có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến để giải quyết một vấn đề có liên quan đến nội dung bài học. Giúp HS hòa nhập vào cộng đồng, tạo cho các em tự tin, hứng thú trong học tập và trong sinh hoạt.
Nhóm GV bộ môn văn
(Trường TH Trần Văn Ơn, Gò Vấp)
Bình luận (0)