Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Thiết kế hoạt động học tập phù hợp với nhóm đối tượng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong các hoạt động tương tác giữa HS với HS, các em có thể học tập lẫn nhau, cùng giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong ảnh là HS Trường TH Lê Lai (Tân Phú) học theo nhóm. Ảnh: Vũ Ly
Mặt thuận lợi của dạy học theo hướng cá thể hóa là giáo viên khi dạy học đã có tài liệu tham khảo, đó là quyển chuẩn kiến thức kĩ năng làm cơ sở. Học sinh (HS) được phát huy tối đa khả năng của từng em. Tuy nhiên, khó khăn mà đa số các trường cũng như giáo viên gặp phải là sĩ số lớp học chưa đảm bảo tốt cho việc dạy học theo phương pháp này.
Điều căn bản nhất khi dạy phương pháp này là giáo viên tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội và hướng dẫn HS tham gia tích cực, chủ động vào quá trình học tập, giúp các em thu nhận kiến thức kĩ năng một cách sâu sắc bằng chính nội lực của bản thân. Khi đưa ra các hoạt động học tập với nhiều hình thức (làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm, lớp) giáo viên đòi hỏi các yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi nhóm đối tượng HS ở mức độ khác nhau nhằm đáp ứng trình độ khác nhau của mỗi nhóm. Thông thường giáo viên nên giao nhiệm vụ ở 3 mức: khá cho nhóm HS khá, giỏi; vừa phải cho nhóm HS trung bình; dễ cho nhóm HS yếu. Hoặc những yêu cầu đơn giản cho nhóm HS trung bình, yếu; những yêu cầu phức tạp hơn cho nhóm HS khá, giỏi.
Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý rằng không phải lúc nào các hoạt động học tập cũng nhắm vào việc giao các nhiệm vụ, yêu cầu khác nhau cho các đối tượng HS. Trong mọi hoạt động chung với cả lớp, các hoạt động tương tác giữa HS với HS, các em có thể học tập lẫn nhau, cùng giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, khi kiểm tra, đánh giá giáo viên cần đòi hỏi cao ở nhóm đối tượng HS khá, giỏi; đúng chuẩn đối với HS trung bình, yếu; nếu có nâng yêu cầu thì cũng chỉ nên ở mức khuyến khích HS.
Tôi xin đưa ra dẫn chứng tiết dạy minh họa ở môn tập đọc lớp 5 – bài “Kì diệu rừng xanh”. Các hoạt động học tập ở tiết này gồm có luyện đọc, tìm hiểu bài và rèn đọc diễn cảm. Các phương pháp có đàm thoại, giảng giải, quan sát và hoạt động nhóm. Yêu cầu tiết học đối với các nhóm đối tượng: đối với HS trung bình, yếu thì đọc đúng, trôi chảy, rõ chữ, bước đầu biết đọc diễn cảm, hiểu bài, nắm ý chính; đối với HS khá, giỏi thì đọc đúng, diễn cảm, hiểu bài, cảm thụ được cái hay, cái đẹp của bài, biết liên hệ thực tiễn.
Cụ thể ở phần luyện đọc, giáo viên luyện đọc theo đối tượng, có chú ý hướng dẫn đọc đúng đối với HS trung bình, yếu khi đọc nối tiếp cũng như đọc nhóm đôi. Nhóm HS khá, giỏi luôn đòi hỏi ở mức cao: diễn cảm. Điều đó cũng thể hiện cả ở phần nhận xét của giáo viên. Những câu hỏi gợi ý cho từng nhóm đối tượng khi tiến hành thảo luận (giáo viên gợi ý đối với nhóm HS trung bình, yếu): Câu hỏi 1: Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì? Gợi ý: Tác giả thấy vạt nấm rừng, mỗi chiếc nấm… nghĩ đến hình ảnh gì khác? Tác giả nghĩ mình là gì khi đứng trước những hình ảnh đó? Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh vật đẹp thêm như thế nào? Gợi ý: Trong sự liên tưởng của tác giả có những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó em thường thấy ở đâu? Nó đem lại vẻ đẹp gì cho cảnh rừng?
Trong nhóm lớn, các đối tượng HS hoạt động tương tác, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thảo luận trả lời câu hỏi 3.
Như vậy, để vừa có thể phát triển lực lượng mũi nhọn vừa đảm bảo không để HS yếu đứng bên lề tiết học, giáo viên cần quan tâm đến các nhóm đối tượng HS trong lớp mình bằng cách thiết kế các hoạt động học tập phù hợp cho các nhóm đối tượng HS, hướng dẫn các em tham gia để giúp các em có thái độ đúng và nắm được kiến thức kĩ năng, kĩ xảo, phát huy đầy đủ năng lực của bản thân. Trên đây cũng chỉ là ý kiến chủ quan của chúng tôi, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp.
Trần Thị Kim Chi
(GV Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Bình Thạnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)