Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Tư duy độc lập, khơi gợi sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần nhận thức đúng về dạy học cá thể – không thể xem dạy theo phương pháp này là công việc phụ đạo HS yếu (ảnh minh họa). Ảnh: N.Q
Dạy học cá thể hóa là phương pháp dạy học lấy học sinh (HS) làm trung tâm, dạy cho từng HS, theo từng xu hướng, năng lực và triển vọng của từng cá thể HS. Đây là cách dạy học tôn trọng tư duy độc lập, khơi gợi sáng tạo tiềm ẩn ở từng cá nhân có cơ hội phát triển.
1. Theo TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, dạy học cá thể là dạy cho từng HS. Dù trong lớp có nhiều thành viên nhưng giáo viên (GV) luôn quan tâm đến từng cá thể một, người thầy có biện pháp phù hợp tác động đến từng HS trong quá trình truyền thụ tri thức. Tại các nước tiên tiến, phương pháp này đã được áp dụng từ lâu nên năng lực, xu hướng và hứng thú của trò được phát triển một cách tối đa. Ở Việt Nam, từ trước tới nay vẫn quan niệm trẻ em cùng lứa tuổi thì cùng trình độ và nhận thức. Vì thế ngành GD-ĐT biên soạn chương trình và tổ chức dạy học theo từng bậc học, năm học. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Không phải cứ trẻ em cùng lứa tuổi thì đều có trình độ và nhận thức như nhau. Do đó khi sử dụng phương pháp giảng dạy như nhau cho tất cả đối tượng HS sẽ mang lại kết quả không mỹ mãn. Nếu dạy đúng chương trình với HS khá giỏi thì HS có lực học trung bình và yếu không theo kịp. Hậu quả là những em này dần dần mất căn bản và có nguy cơ lưu ban. Ngược lại, nếu dạy theo trình độ HS trung bình, yếu thì HS khá giỏi sẽ dễ nhàm chán, trí lực thông minh sẽ không được phát huy, thiếu “đất dụng võ”.
2. Mặc dù từ năm học 2008-2009, phương pháp dạy học theo định hướng cá thể, giảm lý thuyết tăng thực hành đã đi vào “đời sống” của ngành GD-ĐT nhưng một số trường vẫn đón nhận trong e dè, GV nhận thức chưa đúng, ngại đầu tư và chưa tận dụng điều kiện có sẵn để thực hiện “luồng gió mới” này. Nhiều GV trong quá trình dạy học vẫn áp dụng phương pháp đồng loạt, rập khuôn máy móc, vì thế không có gì khó hiểu khi xảy ra hiện tượng từ HS trung bình đến khá giỏi đều có bài văn giống y hệt nhau.
Còn nhớ năm 1946, khi gửi thư cho GV, Bác Hồ đã nhắc nhở: “Kể từ nay chúng ta xây dựng nền giáo dục Việt Nam – một nền giáo dục làm phát triển tiềm năng vốn có trong lòng HS”. Bác Hồ căn dặn khi dạy học thầy cô phải căn cứ vào khả năng của từng đối tượng, tôn trọng đặc điểm từng người học. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai từng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải biết trẻ có cái gì, cần cái gì. Từ đó GV bám sát mục tiêu cấp học, lớp học và môn học mà tác động đến từng đối tượng”. Rõ ràng, áp dụng phương pháp dạy học cá thể sẽ đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là giải quyết kịp thời các trường hợp HS không theo kịp trình độ chung. Lợi ích lâu dài là HS biết cách học, hứng thú học tập và trở nên tự tin.
3. Do đó, GV cần phải nhận thức đúng về dạy học cá thể. Hiện nay vẫn còn GV cho rằng dạy học theo hướng cá thể hóa là công việc phụ đạo HS yếu. Thông qua chuyên đề, GV nhận thức đúng về dạy học cá thể, đồng thời thấy rõ hơn giữa lý thuyết và thực hành trong việc dạy học cá thể. Nắm vững cơ sở lý luận và thực tiễn dạy học cá thể – theo tài liệu của TS. Huỳnh Công Minh – mỗi con người là một thế giới riêng, mỗi HS dù còn nhỏ tuổi nhưng đều có cuộc sống tinh thần riêng lẻ. Nếu GV biết chia sẻ những điểm riêng ấy thì sẽ kích thích được niềm hứng thú học tập vượt trội của từng HS. Nếu người dạy chỉ đơn thuần dạy cho hết sách, hết ý tưởng của mình mà không chú ý đến điều kiện và khả năng tiếp thu, sự ham thích học tập của HS thì hoạt động học tập ấy sẽ khó thành công.
Thực tế dạy học ở nhà trường hiện nay cho thấy HS chưa tích cực, chưa hứng thú trong học tập còn khá phổ biến. Do đó, người thầy phải đổi mới về quan điểm sư phạm, quan niệm về quan hệ thầy trò, về trách nhiệm của GV trong quá trình giáo dục. Đó là hướng về cá thể thay cho sự áp đặt với số đông. Quan hệ thầy trò là quan hệ hợp tác trao đổi lắng nghe, thay cho sự truyền thụ một chiều.
Ngoài tinh thần trách nhiệm, GV phải điều tra cơ bản ngay từ đầu năm học để nắm thông tin cá nhân và hoàn cảnh đặc thù của từng em. Soạn giáo án và giảng bài sát với từng đối tượng HS. Có thang bậc đánh giá cho điểm cụ thể từng loại đối tượng. Hướng dẫn HS phương pháp tự học, có tư duy độc lập, biết cách diễn đạt các suy nghĩ của mình.
Cuối cùng, cố gắng thực hiện môi trường học tập thân thiện để các em có cảm giác an toàn, vui tươi và hứng khởi trong việc học.
Tập thể GV (Trường TH Trần Văn Ơn, Gò Vấp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)