Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Còn nhiều “cản ngại” khách quan

Tạp Chí Giáo Dục

Bản thân mỗi GV phải tự tìm cách khắc phục những khó khăn để dạy học theo định hướng cá thể đạt hiệu quả. Ảnh: D.B
Dạy học theo định hướng cá thể hóa là một hình thức dạy học được nhiều nước có nền giáo dục phát triển áp dụng để phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của từng học sinh (HS).
Ở nước ta, thuật ngữ chuyên môn này nghe có vẻ mới lạ nhưng thực chất phương pháp này đã là một hình thức dạy học có từ nhiều đời nay. Mỗi giáo viên (GV) đến lớp đều có sự quan tâm, chú ý đến khả năng tư duy, sáng tạo của từng em nhưng do còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số lớp học… nên việc áp dụng phương pháp này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có định hướng sâu rộng trong toàn ngành.
Từ nhà trường…
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với GV khi áp dụng phương pháp dạy học (PPDH) có nhiều ưu điểm này chính là áp lực từ sĩ số lớp học. Nếu ở những nước phát triển, mỗi lớp học chỉ có khoảng 20 em/lớp, GV có điều kiện để quan tâm đến mỗi HS hơn thì ở nước ta, bình quân sĩ số lớp học lên đến 45 em/ lớp nên mức độ quan tâm của GV đến từng HS có phần hạn chế. Do sĩ số lớp đông nên GV chỉ đảm bảo được trọng tâm bài học cho HS, còn mức độ quan tâm đến từng đối tượng HS yếu, trung bình, khá giỏi vẫn có nhưng không thể đảm bảo như những lớp có 20 em. Bên cạnh đó, chương trình học hiện nay còn khá nặng, HS chủ yếu học lý thuyết nhưng lại không có thời gian để thực hành. Mỗi tiết học GV chỉ có 45 phút để cung cấp kiến thức nên thời gian dành cho HS thực hành không nhiều. Hơn thế nữa, GV không thể chia nhỏ thời gian để khảo sát mức độ tiếp thu của từng đối tượng HS mà phải tập trung cung cấp những kiến thức trọng tâm chung cho tất cả các em, sau đó mới có thể khảo sát ở một vài em xem mức độ hiểu bài đến đâu trong một tiết học, vì thế tính cá thể hóa chưa được phát huy cao.
Cơ sở vật chất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo định hướng cá thể hóa, nhưng hiện nay vấn đề này vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ cho cả thầy và trò. Trong đó, các phòng thí nghiệm, phòng chức năng và đồ dùng dạy học được xem là những yếu tố quan trọng cho mỗi tiết học, cho mỗi GV và mỗi HS thì vẫn còn thiếu. Đặc biệt, đồ dùng dạy học là rất cần thiết để từng HS có thể tham gia thực hành, tuy nhiên hiện nay một số đồ dùng đã quá cũ khó đưa vào sử dụng hoặc ở nhiều môn học GV vẫn đang tự “bơi” với việc thiết kế đồ dùng dạy học. Bên cạnh đó, việc thiếu các phòng thí nghiệm cũng là trở ngại cho dạy học theo định hướng cá thể, chẳng hạn ở Trường THCS Điện Biên chỉ có 1 phòng thí nghiệm dành cho cả bốn môn học là lý, hóa, sinh và công nghệ nên thời gian thực hành cho mỗi HS là không nhiều. Đối với vấn đề này, GV thường phải linh động sắp xếp tiết dạy để có đủ tiết thực hành cho HS nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế.
… Đến gia đình
Cùng với những khó khăn tại nhà trường mà GV cần phải linh hoạt khắc phục thì những trở ngại từ sự thiếu quan tâm của phụ huynh đến con cái cũng là một yếu tố tác động lớn đến PPDH theo định hướng cá thể.
Có thể nói, chất lượng học tập của HS ở trường chưa cao, chủ yếu là HS trung bình và yếu. Ngoài trách nhiệm của GV, gia đình cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. Hầu hết HS của trường đều là con em của những lao động nghèo nên nhiều gia đình không có đủ thời gian để chăm lo đến việc học tập của các em. HS đến lớp, phụ huynh phó mặc cho GV, ít quan tâm đến việc học của các em nên dẫn đến tình trạng: ngoài thời gian ở lớp các em thường chơi game hoặc tụ tập bạn bè đi chơi mà không chịu học bài, làm bài tập ở nhà. Vì thế các em đến lớp không thuộc bài nên GV gặp nhiều khó khăn trong việc dạy tiếp các bài mới. Từ việc thiếu hợp tác của phụ huynh, GV muốn áp dụng phương pháp dạy học cá thể tốt phải đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao HS học tập sa sút, rồi tìm cách vận động gia đình giúp đỡ các em cùng tiến bộ nên mất khá nhiều thời gian. Khi có sự chăm lo đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần của gia đình, bản thân mỗi em sẽ cố gắng trong việc học tập nên việc dạy học theo hướng cá thể mới đạt hiệu quả khả quan.
Hiện nay, để việc dạy học theo hướng cá thể được áp dụng trong nhà trường một cách hiệu quả, một trong những vấn đề cấp bách mà chúng ta phải thực hiện chính là giải quyết những vấn đề trên. Bên cạnh đó, việc trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học và nâng cấp về cơ sở vật chất là việc làm hết sức cần thiết trong nhà trường hiện nay. Ngoài ra, gia đình, nhà trường và địa phương cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhau để nâng bước cho mỗi HS học tập tốt hơn. Trong đó, GV là lực lượng nòng cốt cung cấp kiến thức cho HS nên bản thân mỗi GV tự tìm cách khắc phục những khó khăn trên để tìm cách định hướng cho mỗi HS học tập, phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của bản thân các em.
Nguyễn Thị Việt Tú
(Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh)
Dương Bình (ghi)

Áp lực về sĩ số lớp học là tình trạng chung của tất cả các trường nên việc xây dựng nhiều trường mới, bổ sung thêm lực lượng GV là mong muốn của toàn thể các cấp quản lý, GV và HS.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)