Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Dạy ngoại ngữ bằng phương pháp giao tiếp

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn tạo được một môi trường học tập năng động và hấp dẫn, giáo viên phải tạo ra mọi tình huống để hướng dẫn các hoạt động của HS. Ảnh: N.Anh
Giao tiếp không phải là một phương pháp mới được khám phá nhưng lại có tính đột phá trong giảng dạy tiếng Anh. Phương pháp này xác định mục tiêu “học ngôn ngữ là để giao tiếp, để trao đổi thông tin”.
Tăng tính chủ động của người học
Giao tiếp có hiệu quả là mục đích chính mà nhà trường hướng tới để dạy ngoại ngữ cho học sinh (HS). Phương pháp giảng dạy truyền thống vốn coi trọng việc học ngôn ngữ là học cấu trúc, học ngữ pháp, từ vựng. Vì thế đòi hỏi các em HS phải thuộc lòng những câu, những đoạn đối thoại mẫu có sẵn. Khác với phương pháp trên, phương pháp giao tiếp chú trọng đến nghĩa và ngữ cảnh của câu, của những đoạn đối thoại hơn là cấu trúc cho sẵn. Những câu và những đoạn đối thoại này được hình thành xoay quanh các chức năng giao tiếp và thường không đòi hỏi HS phải học thuộc lòng. Trong phương pháp giao tiếp, HS được khuyến khích giao tiếp ngay trong giờ học, những bài học đầu tiên chứ không phải đợi đến khi thực tập nhuần nhuyễn những đoạn đối thoại hay những câu mẫu, bài tập mẫu rồi mới bắt đầu đàm thoại như một số phương pháp khác. Trong khi đó, với một số phương pháp giảng dạy ngoại ngữ khác, “ngôn ngữ là thói quen”, do đó những lỗi trong câu thoại của HS phải được sửa sai bằng bất kỳ giá nào, vì độ chính xác trong cú pháp phát âm là mục tiêu hàng đầu. Muốn vậy, người thầy đóng vai trò trung tâm để kiểm soát và ngăn chặn không để các em làm trái với lý thuyết, với quy luật ngôn ngữ đã đưa ra. Điều này dẫn tới hệ quả là HS sẽ rất thụ động và rất ngại đàm thoại do tâm lý sợ gây nên những lỗi về ngôn ngữ.
Khác với phương pháp dạy lấy thầy giáo làm trung tâm đang áp dụng khá phổ biến ở trường phổ thông, phương pháp giao tiếp lại lấy HS làm trung tâm, còn giáo viên chỉ đóng vai trò như là quan sát viên; đôi khi là trọng tài và chỉ khi nào cần thiết mới là người hướng dẫn. Điều này được thể hiện rõ qua cách bố trí một lớp học sao cho thầy và trò, trò và trò đều đối mặt với nhau trong giao tiếp. Điều này giúp cho người thầy dễ dàng di chuyển bao quát lớp học để đóng vai trò là người điều khiển.
Muốn tạo được một môi trường học tập năng động và hấp dẫn, trong đó có sự phối hợp tích cực giữa thầy và trò, vai trò của giáo viên là phải tạo ra mọi tình huống, mọi khả năng để hướng dẫn các hoạt động của HS trong giờ học. Đồng thời, giáo viên cần vận dụng mọi thao tác, phương tiện và cử chỉ điệu bộ để tăng cường thúc đẩy các hoạt động giao tiếp. Bên cạnh đó phải biết cách phát huy triệt để các phương tiện dạy học. Lúc đó, giáo viên không chỉ là người đạo diễn hướng dẫn mà còn là một diễn viên như bất kỳ một thành viên khác trong tập thể lớp.
Vai trò của người dạy
Khi thiết kế các dạng bài tập giáo viên nên đi theo hướng chủ động, sáng tạo, gợi mở cho HS và tất nhiên cũng tùy theo trình độ của từng em. Ngoài ra giáo viên cũng cần đa dạng hóa các hoạt động dạy học bằng cách tổ chức các trò chơi nhằm tạo ra hứng thú học tập cho HS. Mỗi giáo viên cần có những thủ thuật để động viên, khích lệ tính chủ động suy nghĩ của HS. Đặc biệt là phải biết kết hợp uyển chuyển vai trò – có khi trong vai trò là người truyền tải kiến thức, có khi là người giúp đỡ giảm độ khó cho HS, lại có lúc là người hướng dẫn và củng cố kiến thức…
Ngoài việc phải vận dụng có nghệ thuật phương pháp giao tiếp như đã nêu, trong một số tiết học muốn thành công còn phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài, trong đó cơ sở vật chất và trình độ người học là những yếu tố cơ bản. Muốn vậy, giáo viên phải nắm được mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm tra đánh giá khoa học. Ngoài ra, giáo viên phải hiểu được đặc điểm của từng HS, xem các em còn thiếu những gì để đạt được mục tiêu của khóa học. Có như vậy tính cá thể hóa mới được thể hiện rõ trong khi vận dụng phương pháp này.
ThS. Nguyễn Thanh Mai
(Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Việt Mỹ, TP.HCM)

Tăng tính chủ động, tính hợp tác, luyện được cách học tập và làm việc tập thể sẽ giúp phương pháp giao tiếp đạt được nhiều mục đích hơn.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)