Cách chia nhóm cũng chưa phải là phương pháp hay trong giảng dạy theo cá thể hóa (ảnh minh họa). Anh: P.N.Q
|
Dạy học theo định hướng cá thể hóa là phương pháp dạy học tiên tiến có hiệu quả to lớn trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng học tập cho học sinh (HS).
Từ trước tới nay người ta chỉ đề cập việc ứng dụng phương pháp này vào trong tiết học cụ thể trên lớp chứ chưa thực sự quan tâm tới việc định hướng cá thể hóa ngoài thời gian ở trường. Do đó rất nhiều người đã gặp khó khăn khi thực hiện dạy học theo phương pháp cá thể hóa. Lý do là do số lượng HS trên lớp quá đông mà thời lượng tiết học chỉ cho phép theo quy định từ 35-45 phút. Nhưng, theo tôi, dù số lượng HS có ít bao nhiêu nữa thì việc dạy học theo hướng cá thể hóa chỉ thực hiện trong phạm vi bốn bức tường của lớp học nên không thể không có nhiều hạn chế. Ngay thời học chữ nho, lớp học của thầy đồ dạy lũ trẻ tại nhà chỉ 10 học trò trở lại nhưng việc cá thể hóa cũng khó làm được huống chi là trong một lớp có từ 30 hoặc 40 em. Thông thường, HS thường được phân chia thành ba đối tượng: khá giỏi, trung bình và yếu kém. Đối tượng mà thầy cô quan tâm nhất là các em HS yếu kém. Vậy chúng ta thử đặt ra một câu hỏi: “Khi dạy giáo viên có chờ HS yếu kém hay không? HS nào chưa hiểu thì giáo viên có thời gian giảng lại cho cả lớp nghe một lần nữa hay không?”… Chia nhóm là một trong nhiều phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa nhưng một nhóm ít nhất cũng 4-5 em chứ chưa thật sự đến với từng cá thể một. Vì thế, cách chia nhóm cũng chưa phải là phương pháp hay trong giảng dạy theo cá thể hóa.
Tôi quan niệm, nếu dạy học theo hướng cá thể hóa thì phải đáp ứng được các yêu cầu như: học theo sở thích và học bất cứ nơi nào cũng được. Thực tế đã chứng minh và cho thấy chỉ có bài giảng điện tử và học tập trực tuyến (E-Learning) mới có thể đáp ứng được những yêu cầu trên. E-Learning không chỉ giúp HS được học theo sở thích và học mọi nơi mà còn giúp các em học bất cứ lúc nào và học suốt đời theo tiêu chí của giáo dục hiện đại.
Thông qua trang E-Learning của Trường THCS Trần Văn Ơn, giáo viên bộ môn giới thiệu các bài giảng của mình để HS đọc và tìm hiểu. Khi đã trở thành thành viên của E-Learning, bất kỳ HS nào cũng được tham gia vào các diễn đàn. Ở đó các em có quyền trao đổi với bạn bè và với cả thầy cô. Đây là một thuận lợi cho nhà trường trong việc dạy học theo định hướng cá thể hóa. Các em HS có thể nghe lại những bài giảng đã học trên lớp, nắm bắt thêm những phần chưa hiểu. Nếu có gì thắc mắc thì các em lại có quyền đưa ra những câu hỏi để giáo viên trả lời sau. Và có thể coi đây là một cách học vì các em được xem lại bài giảng của giáo viên dù không còn ngồi ở trên lớp nữa. Các em cũng sẽ hiểu bài hơn vì được giáo viên giải đáp những thắc mắc không-biết-tỏ-cùng-ai. Như vậy, đây chính là cơ hội để các em HS học mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ bó hẹp trong lớp học. Đối với các HS yếu kém và nhút nhát thì các em lại có nhiều cơ hội hơn trong việc phát biểu ý kiến cũng như thời gian để “xào lại” bài đã học từ trên lớp. Như vậy chỉ cần một cú nhấp chuột là các em sẽ có thêm rất nhiều thông tin về bài học trên lớp, dù các em đang ngồi ở nhà hay bất cứ chỗ nào. Do được sử dụng phần mềm moodle miễn phí, các em cũng có thể download bài tập và làm thẳng các thí nghiệm trong đó luôn. Khi đã trở thành thành viên hoặc mới chỉ là khách vãng lai thì trang E-Learning của nhà trường đã trở thành người bạn thân thiết thật sự gắn bó với HS, giúp các em tránh xa được những “kẻ thù nguy hiểm” như các trò chơi game trực tuyến vô bổ và những trang web độc hại. Về phía giáo viên cũng rất thuận lợi, vì qua các câu hỏi của HS mà biết em nào kiến thức chưa vững, chưa nắm rõ phần nào… Qua đó, có thể giải đáp cho từng em, các em khác “ăn theo” cũng nhận được thông tin.
Qua thực tiễn, chúng tôi thấy đây là một cách học rất được HS yêu thích do được phủ sóng rộng ra nhiều đối tượng, nhiều thành phần. E-Learning Trần Văn Ơn (TVOEL) được hình thành để cùng tồn tại song song và bổ sung quan trọng cho hệ thống học tập truyền thống hiện nay. Tính ưu việt và sự thành công của một hệ thống E-Learning phần lớn được quyết định bởi nội dung phong phú của các bài giảng do thầy cô thiết kế và sự tham gia tích cực của HS. Do đó, GV không chỉ giỏi vi tính mà còn phải có sự say mê và làm việc với tinh thần tất cả vì HS thân yêu, trao đổi thẳng thắn và thân tình với các em HS trong mọi khối lớp.
Trần Mậu Minh
(Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1)
“E-Learning tạo ra một phương thức dạy và học đáp ứng được tiêu chí giáo dục hiện đại học mọi lúc, học mọi nơi, học theo sở thích và học suốt đời”, thầy Trần Mậu Minh khẳng định.
|
Bình luận (0)