Để dạy học theo định hướng cá thể hóa đạt hiệu quả cao, ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên cần có thêm kỹ năng sống. Ảnh: D.B
|
Xưa nay, giáo dục nước nhà vẫn theo khuôn mẫu truyền thống là soạn ra một chương trình sẵn, chương trình này sẽ gắn cho tất cả học sinh (HS) cùng lứa tuổi và xác định mục tiêu trước (chuẩn đầu ra), nghĩa là hết lứa tuổi này thì HS phải đạt bằng cấp và kỹ năng này; hết lứa tuổi khác thì đạt bằng cấp và kỹ năng khác…
Cách dạy học đó có ưu điểm là có thể tiến hành thống nhất, đồng bộ cho nhiều HS cùng lứa tuổi và các cấp quản lý dễ dàng kiểm soát được mức độ học tập chung của HS. Tuy nhiên, lại không đáp ứng được nhu cầu của người học và năng lực sáng tạo của người dạy, bởi họ bị đặt vào thế phải học và dạy theo chương trình chung.
Những năm gần đây, nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới đã đưa ra các chương trình giáo dục cụ thể phù hợp với từng đối tượng HS, đó chính là dạy học theo hướng cá thể hóa. Ở Việt Nam, phương pháp này cũng đã bắt đầu xuất hiện nhưng chưa phổ biến và chuyên sâu. Từ năm 2006, chúng ta đã triển khai xây dựng chương trình dạy học theo modul. Đây là một chương trình học tương đối độc lập, được cấu trúc một cách đặc biệt nhằm phục vụ cho người học chứa đựng cả mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và hệ thống các công cụ đánh giá kết quả học tập. Có thể nói, chương trình này cũng góp phần phục vụ cho việc dạy học theo hướng cá thể hóa. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các môn học đã có modul nhưng chúng ta vẫn chưa thể sử dụng tốt, hiệu quả của việc dạy học này do hạn chế từ cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đến lực lượng giáo viên.
Một trong những khó khăn đầu tiên mà chúng ta chưa thể thực hiện được phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa chính là cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trường chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho tất cả HS và giáo viên nên đến nay chúng ta vẫn đang trong tình trạng dùng chung. Mỗi tiết học giáo viên chủ yếu dạy về lý thuyết, còn thực hành thì vừa có thời lượng ít, vừa thiếu đồ dùng nên nhiều em HS chưa kịp làm đã hết giờ thực hành, lại phải nhường chỗ cho những lớp khác…
Dạy học theo hướng cá thể hóa là dạy học cho từng đối tượng HS nhưng với sĩ số lớp học khoảng 40-45 em thì một giáo viên không thể dạy riêng cho từng em mà phải chia thành ba nhóm: giỏi, bình thường và yếu. Những HS nào giỏi thì bồi dưỡng thêm để đi thi các cuộc thi HS giỏi, HS nào yếu thì dạy phụ đạo thêm để các em hiểu bài hơn. Còn trên lớp, với thời lượng chỉ có 45 phút/ tiết học, giáo viên không thể chia nhỏ thời gian ra để giảng dạy và phát huy tính sáng tạo ở từng HS mà phải cung cấp những kiến thức trọng tâm cho tất cả thành viên trong lớp.
Ngoài ra, vai trò của giáo viên trong việc dạy học theo phương pháp này là rất quan trọng, nó không chỉ đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng sống, biết nắm bắt tâm lý để kịp thời phát hiện được ưu, nhược điểm của từng đối tượng HS. Tuy nhiên, hiện nay sinh viên sư phạm chưa coi trọng các môn lý luận cơ sở như triết học, logic, tâm lý… nên khi trở thành giáo viên lại thiếu kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào dạy học. Trong khi đó, một số giáo viên vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của thuật ngữ chuyên môn này, thường đánh đồng với phương pháp dạy học cho những HS đặc biệt về một lĩnh vực nào đó, có thể là đặc biệt trong học tập hoặc ở nhân cách đạo đức. Vì thế, để dạy học cá thể trở nên phổ biến sâu rộng ở trường học thì trước hết phải trang bị cơ sở lý luận cho giáo viên hiểu hết ý nghĩa của thuật ngữ này.n
DƯƠNG BÌNH (Ghi)
Nguyễn Ngọc Bảo Chương
(Phó hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh)
Để dạy học cá thể trở nên phổ biến sâu rộng ở trường học thì trước hết phải trang bị cơ sở lý luận cho giáo viên hiểu hết ý nghĩa của thuật ngữ này.
|
Bình luận (0)