Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Giáo viên khó tiếp cận với từng học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Trang thiết bị đầy đủ là một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện tốt việc dạy học theo định hướng cá thể hóa. Ảnh: D.B
Dạy học theo định hướng cá thể hóa là một phương pháp dạy học tích cực, nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) – một trường đang trong quá trình xây dựng chuẩn quốc gia, có điều kiện cơ sở vật chất tương đối đầy đủ để áp dụng phương pháp này vào dạy học.
Ông Vượng chia sẻ: Dạy học theo định hướng cá thể hóa là nhằm mục tiêu hướng đến đối tượng giáo dục là các cá thể riêng biệt, có hoàn cảnh sống, tâm sinh lý, chỉ số IQ, ý thức, năng lực học tập khác nhau. Với phương pháp dạy học này, chúng ta có thể tạo được sự chuyển đổi trong nhận thức và thực hiện phương pháp tích cực trong giảng dạy, ý thức tự học tự rèn của giáo viên, đặc biệt là khả năng xử lý tình huống, tạo tình huống ở nhiều cấp độ khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh (HS). Đồng thời, tạo sự hứng thú, tin tưởng vào khả năng của bản thân mỗi HS, từ đó HS chủ động tích cực hơn trong học tập. Vì thế, việc thực hiện tốt dạy học cá thể sẽ nâng cao hiệu quả, chất lượng thực trong GD-ĐT không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, không chỉ trong giai đoạn học tập ở trường lớp mà còn cả trong quá trình tự học, tự lao động sau này. Phương pháp dạy học tích cực này hiện đã được áp dụng ở nước ta, tuy nhiên mức độ tùy thuộc vào đặc điểm từng nơi, tùy thuộc vào đội ngũ giảng dạy của từng trường, từng giáo viên.
PV: Hiện nay, nếu áp dụng phương pháp này ở tất cả các trường thì sẽ gặp những khó khăn nào, thưa ông?
– Trên thực tế còn một số khó khăn cần giải quyết. Trước hết, điều kiện sĩ số HS/ lớp phải tương đối chuẩn (dưới 40HS/ lớp), từ đó giáo viên mới đủ thời gian, không gian cần thiết cho hoạt động giảng dạy trên lớp và giải quyết được các yêu cầu của HS trong từng tiết học khác biệt. Tuy nhiên, hiện nay sĩ số HS/ lớp ở các trường trung học trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa đạt được điều này, chủ yếu là 45HS/ lớp, vì thế giáo viên rất khó tiếp cận với từng HS trong từng tiết học mà cần thời gian lâu dài. Cơ sở vật chất cũng là điều kiện cần để tổ chức tốt các phương pháp tích cực gắn liền với các trang thiết bị nghe nhìn hữu ích để nâng cao khả năng tiếp thu của HS, nhưng trong thực tế trang thiết bị chưa đồng bộ và chưa đầy đủ so với yêu cầu của từng cá thể; đặc biệt khi cấu trúc chương trình một số môn trong cấp học chưa hợp lý, một số môn còn mang nặng lý thuyết và thiếu thời gian cho kỹ năng thực hành. Ngoài ra, hiện nay chúng ta chưa có nhiều bộ SGK theo khung kiến thức chung của Bộ GD-ĐT để giáo viên giảng dạy sao cho hiệu quả nhất, phù hợp với từng vùng miền, với các đối tượng HS cũng là một nan giải cho quá trình dạy học theo định hướng cá thể hóa.
Hiện Trường THCS Nguyễn Gia Thiều đang hướng tới chuẩn quốc gia, vậy nhà trường có những thuận lợi gì để thực hiện việc dạy học theo định hướng cá thể hóa, thưa ông?
– Trường THCS Nguyễn Gia Thiều đang trong quá trình xây dựng chuẩn quốc gia nên việc thực hiện các nội dung đạt chuẩn đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Vì thế, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu dạy và học tương đối đầy đủ, trình độ đội ngũ giáo viên đã trên chuẩn gần 90% và đều có ý thức cầu tiến, sĩ số HS tiệm cận chuẩn… Đây là những điều kiện thuận lợi để chúng tôi thực hiện hiệu quả dạy học theo định hướng cá thể.
Hà Xuyên (thực hiện)

“Thực hiện tốt dạy học cá thể sẽ nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, không chỉ trong giai đoạn học tập ở trường lớp mà còn cả trong quá trình tự học, tự lao động sau này”, ông Nguyễn Văn Vượng khẳng định.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)