HS phải tự giải quyết một vấn đề nào đó trong tiết học hoặc bài tập để lĩnh hội toàn bộ nội dung nhất định thông qua sự sáng tạo của mình. Ảnh: N.Anh
|
Chương trình sinh thái và môi trường lớp 9 cung cấp cho học sinh (HS) những tri thức khoa học cơ bản có hệ thống về sinh thái học và môi trường. Để học tốt phần này, HS cần phát huy hoạt động độc lập, vận dụng kiến thức đã học để giải thích, minh họa cho bài học và liên hệ với thực tiễn để trả lời các câu hỏi.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giáo viên (GV) phát huy hoạt động độc lập của từng HS một cách hiệu quả? Thầy cô định hướng như thế nào để có thể nâng cao vai trò chủ thể của mỗi HS trong việc khai thác các vốn sống phong phú về thiên nhiên?
Chúng ta đều biết, trong chương I: Sinh vật và môi trường của chương trình lớp 9, nội dung cơ bản là mối quan hệ qua lại giữa cá thể sinh vật với các nhân tố sinh thái của môi trường. Yêu cầu HS hoạt động độc lập là bắt buộc các em phải tự giải quyết một vấn đề nào đó trong một tiết học hoặc các bài tập ngoài giờ để giải thích và lĩnh hội toàn bộ nội dung nhất định thông qua các hoạt động sáng tạo của từng cá nhân.
Các hoạt động độc lập chủ yếu
GV có thể hướng HS vào những hoạt động mang tính riêng lẻ như sau: Quan sát thí nghiệm trên các vật thật hay các đồ dùng dạy học. Thông qua hướng dẫn của GV, nhất là qua tranh vẽ quang cảnh thiên nhiên, các em HS biết quan sát nơi ở, nơi lấy thức ăn của sinh vật. Bao gồm sinh vật kí sinh, cộng sinh, sinh vật sống tự do… sống trong điều kiện thiếu hoặc thừa độ ẩm. Các quan sát đó được thực hiện qua tranh vẽ các nhóm đối tượng có quan hệ tác động đối với sinh vật. Ví dụ: ốc, cỏ (sống xung quanh con bò), chim, ve (trên cơ thể bò), sán lá gan (trong cơ thể bò)… Ngoài ra, các em còn thực hành các thí nghiệm về tính hướng sáng của cây trồng, thí nghiệm cây lá vàng do thiếu ánh sáng. Khi thí nghiệm đối chứng về giới hạn chịu đựng của nhân tố sinh thái, HS còn phải biết quan sát chậu cây sinh trưởng mạnh trong ánh sáng liên tục hay sinh trưởng bình thường trong ánh sáng của ngày… Nếu có vườn trường, GV cho các lớp quan sát mẫu vật về hình dạng phiến lá. Nghiên cứu SGK và các tài liệu khác. Để tự hoàn thiện kiến thức, biết đánh giá và giải thích các hình ảnh đồ thị HS phải biết hoạt động độc lập thông qua việc tìm hiểu SGK và các tài liệu có liên quan. Ngoài việc thực hiện các bảng so sánh từ bài 41 đến bài 46, các em phải biết giải thích sơ đồ giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam, giải thích hiện tượng rụng lá tự nhiên, giải thích hình ảnh thằn lằn phơi nắng vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Không chỉ phân tích sự thích nghi của sinh vật với môi trường mà mỗi HS phải biết phân tích lợi ích của quan hệ hỗ trợ và nguyên nhân của sự cạnh tranh về dinh dưỡng, nơi ở và tranh giành con cái. Làm các bài tập về quan sát thiên nhiên. Các bài tập này giúp HS nhận biết thêm sự thay đổi của các nhân tố sinh thái như khi đem một cây phong lan từ rừng rậm về trồng ở vườn nhà. Sưu tầm mẫu vật, tranh ảnh về các thực vật ưa ẩm và thực vật chịu hạn, động vật ưa ẩm ướt và ưa khô. Làm mẫu ép hình thái lá cây và tìm thêm các ví dụ về quan hệ cùng loài, khác loài.
Giúp HS giải mã kiến thức
Khi sử dụng hệ thống câu hỏi để tổ chức hoạt động, GV phải chuẩn bị các loại câu hỏi như câu hỏi tìm tòi, câu hỏi định hướng, bài tập có vấn đề… Nội dung câu hỏi cần có trọng tâm, không được vụn vặt và giải quyết vấn đề chính yếu của một tiêu chí trong bài học sinh thái. Ví dụ trong bài 41: “Môi trường và các nhân tố sinh thái”, sau khi nghiên cứu SGK và quan sát hình, HS trả lời được câu hỏi: “Môi trường sống là gì?” và cho ví dụ về từng loại môi trường. Cần thiết, GV có thể sơ đồ hóa để tổ chức và định hướng hoạt động nghiên cứu SGK và tư liệu của HS như sử dụng bảng biểu, sơ đồ hướng dẫn HS mô tả bằng lời, chỉ ra mối quan hệ giữa các yếu tố. Sử dụng phiếu học tập: Phiếu học tập có mục đích rõ ràng, diễn đạt ngắn gọn, chính xác yêu cầu không quá dễ hoặc quá khó đối với HS. Phiếu học tập yêu cầu trả lời theo câu hỏi trắc nghiệm như: “Hãy chọn câu đúng trong 4 đáp án” hoặc kẻ bảng phân loại: “Thực vật ưa sáng và thực vật ưa bóng”.
Vũ Dương Thị Thanh Hương
(GV Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q.Thủ Đức)
Để HS hoạt động độc lập có hiệu quả, GV cần nêu và giải thích mục đích, tạo điều kiện cho HS thực hiện hoạt động độc lập, hướng dẫn, giúp đỡ và tìm các biện pháp để cho HS giải quyết mâu thuẫn giữa kiến thức đã biết và kiến thức chưa biết.
|
Bình luận (0)