Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Thầy giáo vừa của lớp, vừa của mỗi học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm trưởng thay mặt nhóm phát biểu ý kiến sau khi cùng các bạn thảo luận trong tiết học. Ảnh: P.N.Q

Ở các nước phát triển, dù có mức sống cao, phương tiện giáo dục hiện đại, mỗi gia đình có thể đưa “lớp học về tận nhà” thông qua mạng internet nhưng vẫn cần đến vai trò của người thầy. Vì sao vậy? Vì người thầy biết dạy học đúng “định hướng cá thể hóa”, còn máy móc, thiết bị thì không.
Vậy dạy học “đúng định hướng cá thể hóa” là dạy học như thế nào? Đó là cách dạy mà người thầy hoàn toàn biết được trình độ của mỗi học trò, biết các em nghĩ gì, hiểu đến đâu để đưa ra giải pháp đúng, đáp ứng yêu cầu của người học.
Trong 10 yêu cầu để đánh giá và xếp loại giờ dạy ở bậc trung học của Bộ GD-ĐT thì bốn yêu cầu 1, 4, 6, 9 được coi là trọng tâm. Các yêu cầu này được cân nhắc kĩ lưỡng và thận trọng hơn khi đánh giá, đồng thời được sử dụng để đảm bảo chất lượng khi xếp loại giờ dạy đối với hai loại giỏi và khá. Trong bốn yêu cầu đó thì yêu cầu thứ 9 là quan trọng nhất: “Tổ chức và điều khiển học sinh tích cực chủ động phù hợp với nội dung kiểu bài, với các đối tượng; học sinh hứng thú học”. Các tiết thao giảng có nhiều người dự, mặc dù biết rằng chẳng giúp được gì nhiều cho học sinh, giáo viên cũng “làm động tác” đi xuống lớp, đến từng bàn nhắc nhở các em làm việc. Những giáo viên nào để học sinh nói chuyện hoặc làm việc riêng thì thầy bị “khép vào tội” thiếu quán xuyến, không bao quát giờ dạy.  
Để tránh được hoàn toàn nhược điểm đó, có nhiều phương pháp dạy học tích cực, nhưng theo tôi, phương pháp chia nhóm để tất cả học sinh đều được “động não” trong một tiết học là tốt nhất. Việc phân chia nhóm phải được chọn lọc cẩn thận. Từ ngày xóa bỏ hệ thống “trường chuyên lớp chọn”, nhằm cung cấp kiến thức toàn diện cho học sinh các bậc học cơ sở, trong cùng một lúc dạy cho nhiều đối tượng học sinh có học lực khác nhau càng khó khăn hơn. Có nhiều cách chia nhóm như chia theo học lực, theo sở thích hay chia nhóm ngẫu nhiên, nhưng nếu để học lực các nhóm “vênh” nhau quá, giáo viên khó dạy. Khi người thầy đang hướng dẫn cho nhóm học giỏi làm việc, các nhóm khác thừa cơ ngồi chơi, có khi quấy nhiễu lớp học. Bởi vậy giáo viên phải chia các nhóm có chất lượng tương đối đồng đều, chọn em có năng lực nhất, giỏi nhất đảm nhiệm “chức vụ” nhóm trưởng hướng dẫn, bày vẽ cho các bạn trong nhóm cùng trao đổi, thảo luận. Như vậy giáo viên vừa có thêm một lực lượng “trợ giúp” cho mình mà lớp học cũng hài hòa hơn. Giáo viên phải đến từng nhóm vấn đáp, đàm thoại, trao đổi thông tin hỏi “các em có yêu cầu, thắc mắc để giải đáp, mở rộng, nâng cao thêm?”. Có khi giáo viên cho cả lớp nhìn lên màn hình để trình chiếu lại bài học, giải quyết vấn đề mà một nhóm thắc mắc. Giáo viên cũng có thể đưa các bài làm sai của các nhóm lên bảng để cả lớp phân tích đối chiếu với đáp án của thầy. Đối với các môn có nhiều thí nghiệm, thực hành thì yêu cầu này rất có ý nghĩa. 
Để đảm bảo cho việc dạy và học đúng với “định hướng cá thể hóa” thì trong việc phân chia lớp, số lượng học sinh không nên nhiều quá, mỗi lớp học chỉ nên từ 35 em trở xuống. Học sinh nhiều quá, phải chia ra thành nhiều nhóm, giáo viên khó bề đáp ứng yêu cầu đến với mỗi học sinh vì thời lượng đóng khung trong 45 phút không cho phép. Hiệu suất cao nhất, có lợi nhất cho người học phải là một thầy, một trò. Thầy hỏi – trò đáp, thầy giảng – trò lắng nghe, trò thắc mắc – thầy giải đáp tức thì. Hiệu suất cao nhất của người dạy là càng nhiều học trò tiếp thu càng tốt.
Ở quê tôi, cứ mỗi khi thi xong tốt nghiệp THPT là có nhiều “lò” luyện thi cấp tốc vào ĐH được mở trong thành phố. Mỗi ca học của “lò” luyện có trên 70 em nên thầy giáo phải dạy qua loa phóng thanh. “Lò” luyện thi như thế, thầy có giỏi bao nhiêu cũng không thể tốt bằng “lò” luyện vài chục em. Có một thầy luyện toán ở trường chuyên chỉ mở mỗi lớp từ 10 đến 15 em nhưng em nào thi vào ĐH môn toán đạt trên 8 điểm thầy mới lấy tiền (tất nhiên thầy phải tuyển chọn trước). Nhiều năm nay học trò của thầy hầu như đậu ĐH môn toán 100%. Thậm chí có thầy còn dạy riêng cho con các “đại gia”, tỷ lệ một thầy – một trò (họ trả học phí cao đúng bằng tiền thầy dạy chung cho một lớp). 
Ngược lại, dạy học không đúng “định hướng cá thể hóa” là việc truyền thụ thông tin một chiều cho đa số học sinh trong lớp nói chung, các em tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Nhiều em yếu không theo kịp, không có cơ hội để hỏi thầy, tiếp thu bài học sau không kế thừa được kiến thức của bài học trước. Học trò thường yếu “đuổi” từ năm này sang năm khác đến nỗi học lớp 12 vẫn không giải được một bài toán khó của lớp 3, lớp 4. (Ta quen nói những học sinh này là “mất gốc”). Đó là hậu quả của một thời gian dài “thầy đọc, trò chép”. 
Người thầy giỏi là người thầy biết vận dụng các phương pháp một cách linh hoạt làm cho học trò hiểu, thầy biết khơi nguồn sáng tạo trong học sinh. Làm thế nào mà học sinh không lơ đễnh vì đầu óc quá “nhàn rỗi” nhưng cũng không được nặng nề, quá sức.
Hoàng Minh Đức
(Trường THCS Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình)
Người dạy học “đúng định hướng cá thể hóa” là người mà học sinh cảm nhận được thầy không những là giáo viên chung của cả lớp mà còn xem thầy như của riêng mình.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)