Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Tổ chức hoạt động nhóm thế nào đạt yêu cầu?

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên cần quan tâm giúp đỡ những học sinh nhút nhát, không tự tin để giúp các em mạnh dạn trình bày ý kiến trước thầy cô và bạn bè. Ảnh: Lê Phương Trí
Trong thực tế, nhiều giáo viên sáng tạo ra nhiều cách rất hay khi tổ chức nhóm để học sinh thảo luận, học tập. Tôi xin giới thiệu cách đơn giản, cụ thể như sau: Giáo viên cho học sinh đếm số để các em chọn cho mình nhóm theo số chẵn, số lẻ; hoặc phát cho học sinh một số hình cắt từ giấy thủ công rồi yêu cầu học sinh thành lập nhóm với những bạn có hình cùng màu sắc hay hình giống nhau. Sau khi hình thành nhóm xong, giáo viên yêu cầu các nhóm cử nhóm trưởng của nhóm mình để điều hành công việc, cử thư ký để ghi biên bản thảo luận… Sau đó giáo viên đưa ra yêu cầu cho các nhóm thảo luận, nên nhớ “lệnh” giáo viên đưa ra phải ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, giáo viên cần quy định thời gian thảo luận, yêu cầu thư ký ghi ý kiến thảo luận của nhóm vào phiếu học tập và sau đó cử đại diện trình bày những ý kiến đã thảo luận theo yêu cầu của giáo viên.
Để tiết thảo luận của hoạt động nhóm không nhàm chán và trở nên hấp dẫn, thích thú và sinh động cho học sinh, giáo viên nên nghĩ ra nhiều cách hình thành nhóm. Song song đó giáo viên yêu cầu các thành viên trong nhóm, nhóm trưởng, thư ký thường xuyên thay đổi để cho tất cả thành viên đều có cơ hội điều hành, tổ chức, ghi chép và trình bày ý kiến mình trước thầy cô và các bạn. Trong quá trình tiến hành tổ chức hoạt động nhóm, giáo viên cần đặc biệt quan tâm, sâu sát và giúp đỡ học sinh, nhất là các học sinh nhút nhát không tự tin, tạo cho các em biết hợp tác với nhau để làm việc. Tránh giao khoán công việc thảo luận cho nhóm trưởng và thư ký.
Trong quá trình thực hiện phương pháp dạy hoạt động nhóm tại Trường TH Trung Lập Hạ, tôi nhận thấy: Giáo viên nào mạnh dạn tổ chức cho các em hoạt động nhóm (nhất là trong các môn học: toán, tiếng Việt, tự nhiên – xã hội, lịch sử và địa lý), tiết học luôn mang lại hiệu quả cao, học sinh tiến bộ một cách rõ rệt. Được học và làm quen với hình thức tổ chức hoạt động nhóm, các em học sinh sẽ tự khẳng định mình, mạnh dạn trước tập thể, tạo ra thói quen tự giác học tập… Đây là điểm đổi mới trong giảng dạy, học sinh sẽ tích cực thích thú học tập, không còn chai lì và thụ động. Tuy nhiên, giáo viên nên nhớ một điều là đừng áp dụng hình thức tổ chức hoạt động nhóm cho có để đối phó với ban giám hiệu và thanh tra viên dự giờ, lúc đó việc hoạt động nhóm chỉ là hình thức, không có ý nghĩa, mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)