Môi trường học tích cực sẽ giúp HS chủ động huy động vốn hiểu biết để tự tìm tòi phát hiện những kiến thức mới. Ảnh: N.Q
|
Theo quan điểm sư phạm, tương tác trong dạy học là sự tác động qua lại giữa người dạy và người học trong một môi trường học cụ thể. Đó là những điều kiện cụ thể do người dạy tạo ra, tổ chức cho người học hoạt động trên nền tảng những lựa chọn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu đặt ra nhằm đạt được nhiệm vụ dạy học.
Về nguyên lý, chất lượng và hiệu quả dạy học chịu chi phối của các yếu tố bên trong và bên ngoài, nhưng trước hết phải kể đến ảnh hưởng của các yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học. Trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay theo hướng “lấy người học làm trung tâm” thì nguyên tắc “tương tác đa chiều, đa đối tượng” tỏ rõ tính ưu việt của nó.
Tương tác đa chiều, đa đối tượng là gì?
Đó là sự tác động qua lại không chỉ một chiều giữa thầy và trò mà còn có sự tác động trở lại của trò và thầy; giữa nhiều học trò với nhau trong quá trình giáo dục nói chung và trong giảng dạy một môn học cụ thể nói riêng. Từ cách hiểu này, chúng ta nhận thấy dạy học là một hệ thống gồm nhiều yếu tố có quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau. Hoạt động của học sinh (HS) tiểu học có các đặc điểm riêng không như hoạt động học tập của các bậc học khác, nó gắn chặt với một tiết học cụ thể trong một phân môn, với một phương pháp dạy học đặc trưng ở từng phân môn nhằm phát huy tính độc lập, tự chủ và sáng tạo của HS. Qua những hoạt động học tập, thầy cô giúp nhận thức của HS được củng cố, mở rộng và phong phú hơn.
Trong quá trình tham gia học, HS có chức năng lĩnh hội và tham gia các hoạt động học tập. Có nghĩa là các em phải lựa chọn, tích lũy và xử lý thông tin liên quan đến nội dung môn học cũng như khả năng khai thác và sử dụng SGK, các slide hình mà giáo viên (GV) cung cấp với vốn kiến thức có từ các tiết học trước, kết hợp với vốn sống của HS phục vụ cho việc phản hồi trong quá trình học. Là người quản lý hoạt động tự giác của HS trong việc tiếp thu tài liệu học tập, GV có sứ mệnh tổ chức hoạt động tích cực của bản thân HS trong việc tiếp thu tri thức, kỹ năng mới.
Ví dụ, môn khoa học ở lớp 4 là phân môn cần thiết và gần gũi với HS tiểu học. Nó không những cung cấp những kiến thức cơ bản về con người, các sự vật xung quanh môi trường sống mà còn cung cấp nhiều kỹ năng sống để bảo vệ môi trường và tự bảo vệ mình. Nhưng thực tế vẫn còn một số GV quan niệm rằng, đây là môn phụ nên dạy qua loa, chỉ dùng một số phương pháp dạy học sơ sài. Chưa dành nhiều thời gian cho việc thiết kế bài dạy, tổ chức các hình thức học tập tích cực, hay xây dựng các tình huống học tập khác. Do đó chỉ có mối quan hệ tương tác một chiều thầy – trò, vì thế các hoạt động học – nhận thức của HS còn sơ sài, kiến thức chưa được khắc sâu. Chính vì môi trường học tương tác chưa được GV chú ý nên HS chưa được làm quen nhiều, chưa học tập trao đổi lẫn nhau và chưa thể hiện được bản thân mình.
Tại sao phải vận dụng quan điểm tương tác đa chiều, đa đối tượng?
Thực tế cho thấy ở mỗi lớp đều có các đối tượng HS giỏi – khá – trung bình – yếu. Mỗi cá nhân đều chịu sự tác động của các đối tượng HS trong lớp cũng như chịu sự tác động của thầy cô trong từng hoạt động. Để thể hiện hiệu quả của sự tác động giữa thầy – trò, trò – thầy, trò – trò, chúng tôi tổ chức các hoạt động học tập dựa trên phương pháp đặc trưng của môn khoa học như hỏi đáp, thảo luận, đóng vai, trò chơi, quan sát, thí nghiệm, thực hành, trình bày… Lưu ý là tùy theo mỗi tiết học mà GV cần lựa chọn phối hợp các phương pháp khác nhau một cách linh hoạt nhằm tạo ra các tình huống học tập có ý nghĩa và có chủ đích. Môi trường học tích cực sẽ giúp HS chủ động huy động vốn kiến thức, vốn hiểu biết để tự tìm tòi phát hiện những kiến thức mới chứ không ngồi nghe một cách thụ động. Cách học đó còn khuyến khích các em tự đặt ra những câu hỏi thắc mắc để mở mang thêm tri thức. Không chỉ thầy trò tương tác mà giữa trò và trò cũng biết cách hợp tác làm việc để giải quyết tình huống, nhóm này tác động lên nhóm kia và ngược lại. Có như thế GV mới đạt được mục tiêu trong mỗi bài dạy thông qua môi trường học tập tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập. Cũng thông qua tiết học sôi nổi và nhẹ nhàng mà thầy trò gần gũi và thân thiện hơn. Về phía HS, các em nắm kiến thức cơ bản sâu hơn và thiết thực hơn. Nhờ tự tin đặt câu hỏi, nêu thắc mắc mà các em chủ động tích cực tham gia hoạt động học tập.
Huỳnh Ngọc Liên (GV Trường TH An Hội – Q.Gò Vấp)
Học tập theo quan điểm tương tác không chỉ giúp các em rèn luyện tốt kỹ năng diễn đạt bằng lời nói mà còn bồi đắp ý thức vận dụng khoa học vào đời sống.
|
Bình luận (0)