Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2013, với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: từ chương trình tới hành động” đã khai mạc sáng nay, 3-12, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tham dự diễn đàn. Nhiều khuyến nghị đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra, liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, cải cách thủ tục hành chính…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn “sẵn sàng lắng nghe và mong muốn được đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp” nhằm làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại diện các đối tác phát triển, ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực của Công ty tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào cho rằng, một năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm để thực thi việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong khu vực Nhà nước. Với tư cách đồng chủ tọa VBF, vị Giám đốc khu vực của IFC cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. “Các doanh nghiệp nhà nước chưa bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế”, ông Simon nhận định thẳng thắn.
Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, với việc lãi suất đã giảm và nhiều doanh nghiệp đã được tiếp cận vốn của ngân hàng.
Ông Lộc phát biểu: “Cộng đồng doanh nghiệp cũng cảm thấy được khích lệ khi hạ tầng cơ sở được đầu tư, nhiều hiệp định quốc tế đang được đàm phán và Chính phủ kiên định điều chỉnh giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, lần đầu tiên hiến định vai trò của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn, vất vả với các doanh nghiệp: nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với chính sách miễn, giảm thuế; nhiều chính sách được ban hành chưa đồng bộ, hiệu quả thực thi không cao… Cộng đồng doanh nghiệp đang cần những cải cách mang tính thực tiễn hơn. Trong đó, đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là những giải pháp hàng đầu.
Trước khi diễn ra VBF lần này, 8 nhóm vấn đề được đánh giá là đang có tiến triển và cần có hành động đã được Ban thư ký VBF tổng hợp, dựa trên các kiến nghị của các phòng thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Được biết, phần lớn các kiến nghị tương tự như các kiến nghị đã được đưa ra tại các VBF trước.
Đó là các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích các ngân hàng tự nguyện thực hiện quy định về trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; đưa ra định nghĩa rõ ràng về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng khung pháp lý đồng bộ, hài hòa kết hợp giữa hai hình thức đầu tư PPP và BOT.
Đó còn là các vấn đề liên quan đến kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô – xe máy; mở rộng sự tham gia của các cá nhân, công ty nước ngoài vào thị trường bất động sản; nâng cao quyền tự chủ cho các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề…
Theo SGGP
Tin liên quan
Được số hóa từ những ngày đầu với bệ phóng công nghệ vượt trội từ Tập đoàn FPT, Tiêm chủng Long Châu...
Trải qua hơn 19 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đã nỗ lực hoàn thành...
Sáng 16-1, Doanh nghiệp xã hội ECUE và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) chính thức...
Tối 11-1-2025, Hội Nữ doanh nhân TP.Cần Thơ (CAWE) tổ chức tổng kết và Giao lưu Chúc mừng năm mới 2025. Ông...
Bình luận (0)