Muốn hạn chế tình trạng dạy đọc – chép, GV không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy |
Đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường nói chung và trường phổ thông nói riêng là hoạt động phát triển theo quy luật khách quan – quy luật vận động; nếu không tự đổi mới thì sẽ trở thành lạc hậu và tự đào thải.
Nhưng, các hoạt động đổi mới như thế nào thì phụ thuộc vào chủ quan của con người. Vì vậy, để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thành công phải hội tựu được các yếu tố:
– Thứ nhất: Người thầy phải luôn có tư duy đổi mới, thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề trong sự phát triển của nền giáo dục nước nhà ở mọi hoàn cảnh lịch sử cũng như sự thay đổi của xã hội. Phải có hiểu biết rộng và trình độ chuyên môn sâu vững vàng, phù hợp với đối tượng khi sử dụng các phương pháp dạy – học mới. Phải có tinh thần độc lập, sáng tạo, biết hợp tác, chủ động trong bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
– Thứ hai: Cơ sở vật chất kỹ thuật và các phương tiện phục vụ giảng dạy phải đảm bảo phù hợp, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của việc dạy học lý thuyết và thực hành, thực tế… (môi trường lớp học, máy móc, dụng cụ thực hành, thư viện, nơi sinh hoạt tổ chuyên môn).
– Thứ ba: Người học phải là những người đã được định hướng nghề nghiệp, phân luồng, phân tầng lớp học, cấp học phù hợp với năng lực và sở trường mới có thể thực hiện phương pháp dạy – học mới.
– Thứ tư: Cần có sự đảm bảo ổn định cho người thầy những điều kiện cơ bản như: nơi làm việc, phương tiện làm việc, đi lại, ngân sách (thù lao, tiền công).
– Thứ năm: Phải có được sự đồng thuận cao của tập thể lãnh đạo và giáo viên nhà trường. Đặc biệt là nhận thức và trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.
Nhiều năm trở lại đây, dư luận xã hội đã không ngừng phê phán việc dạy học đọc – chép là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “học vẹt”, học sinh thiếu chủ động sáng tạo, chất lượng dạy học kém… Những phê phán đó là có cơ sở nhưng không phải hoàn toàn đúng, bởi vì cách dạy đọc – chép vốn tồn tại khá dài trong nhà trường Việt Nam, khi mà đất nước còn chiến tranh, nghèo nàn lạc hậu, nguồn sách giáo khoa không đủ cung cấp cho học sinh, tài liệu đọc thêm để mở rộng kiến thức không có hoặc nếu có cũng rất hạn chế, các hoạt động của phương tiện truyền thông eo hẹp… thì chính sự đọc – chép này là nguồn kiến thức rất cơ bản, cốt lõi với học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chúng ta phải thừa nhận rằng, phương pháp đọc – chép tồn tại nhiều điểm yếu như làm mất sự chủ động sáng tạo của học sinh, tạo sức ỳ với thầy giáo, không tạo được sự hấp dẫn cuốn hút người học, học sinh không có cơ hội để tìm tòi để khẳng định bản lĩnh và năng lực độc lập của mình. Vì vậy, cần phải có nhìn nhận khách quan, ngày nay nếu còn tồn tại tình trạng dạy học theo kiểu đọc – chép là khó có thể chấp nhận.
Muốn hạn chế tình trạng đọc – chép thì yêu cầu người giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Mặt khác, phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới hiện đại, bởi vì muốn đổi mới phương pháp dạy học người giáo viên phải vững chuyên môn cùng với những điều kiện hỗ trợ khác.
Chủ trương chống đọc – chép trong dạy học hiện nay là hoàn toàn đúng qui luật khách quan, là nhiệm vụ cấp bách trong tiến trình phát triển của nền giáo dục trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, để thực hiện điều này chúng ta đang gặp vô vàn khó khăn mà trước hết là điều kiện đảm bảo cho việc đổi mới phương pháp dạy học như: lớp học quá đông; phương tiện dạy học thiếu không đồng bộ; đời sống vật chất với giáo viên quá eo hẹp dẫn đến nhận thức, trách nhiệm cũng như nhiệt huyết của giáo viên hạn chế, thiếu chủ động đổi mới; đội ngũ giáo viên được đào tạo ở nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng có khoảng cách nhất định… Mặt khác, sự tác động của cơ chế thị trường đã và đang thâm nhập khá mạnh vào lĩnh vực giáo dục, nên việc tạo sự đồng thuận của cán bộ quản lý và giáo viên trong trường gặp rất nhiều trở ngại. Điều này đã có tác động lớn làm hạn chế hiệu lực chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường.
Sách giáo khoa và việc giảng dạy đọc – chép là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng nó cũng có mối liên hệ hữu cơ ở một số mặt. Tuy nhiên nó không hoàn toàn phụ thuộc vào nhau vì: sách giáo khoa là những kiến thức cơ bản, cốt lõi của từng bài học, môn học. Sách giáo khoa dài hay ngắn không có ảnh hưởng gì đến việc đổi mới phương pháp dạy học mà chỉ chất lượng sách giáo khoa có tác động đến đổi mới phương pháp dạy học. Việc đọc – chép là một cách dạy của người thầy. Để không đọc – chép (đổi mới phương pháp dạy học) ngoài kiến thức cơ bản sách giáo khoa, người thầy cần phải có kiến thức rộng ngoài sách giáo khoa mới tự tin đổi mới, giảm thiểu đọc – chép mà không bị cản trở nào từ sách giáo khoa.
Sách giáo khoa đã được thay đổi qua các cuộc cải cách giáo dục, đến nay về cơ bản sách giáo khoa đã có được sự đồng thuận và đánh giá cao của xã hội. Mặc dù còn có những dư luận về nội dung dài ôm đồm, kiến thức quá nhiều cho một bài giảng, học sinh học khó tiếp nhận… vì thế mà không còn thời gian thực hiện các thao tác đổi mới phương pháp, hay vì phải học quá nhiều trong sách giáo khoa nên học sinh không có thời gian suy nghĩ tìm tòi, trao đổi học tập thực hành. Những suy nghĩ như vậy phần nào đó còn thiếu hoặc chưa có cơ sở khoa học. Thực tế cho thấy một bài học trong sách giáo khoa dù dài hay ngắn, kiến thức đề cập nhiều hay ít đều phải thể hiện nội dung cốt lõi của một vấn đề hoặc một phần của vấn đề cần cung cấp cho học sinh mà chỉ truyền tải trong 45 phút (1 tiết học) thì việc truyền tải bằng cách nào đều do người thầy thực hiện. Vì vậy, việc chống đọc – chép bằng việc đổi mới phương pháp vẫn có thể thực hiện hoàn hảo khi người thầy vững chuyên môn và thực sự tâm huyết với nghề thầy giáo trong nhà trường và có thái độ cự tuyệt với đọc – chép.
TS. Phạm Xuân Hậu
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Đến thời điểm hiện nay chúng ta phải thừa nhận rằng, phương pháp dạy đọc – chép tồn tại nhiều điểm yếu như làm mất sự chủ động sáng tạo của học sinh, tạo sức ỳ với người thầy; không tạo được sự hấp dẫn cuốn hút người học, học sinh không có cơ hội để tìm tòi để khẳng định bản lĩnh và năng lực độc lập của mình – TS. Phạm Xuân Hậu khẳng định. |
Bình luận (0)