Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc – chép?”: Học theo hình thức thảo luận nhóm

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với bộ môn lịch sử, hoạt động theo hình thức thảo luận nhóm là cách tốt nhất hạn chế tình trạng đọc – chép, nhất là đối với học sinh (HS) khối 12. Và theo tôi, phương pháp tốt nhất của cách dạy này giáo viên (GV) nên chia lớp ra 3 đến 4 nhóm HS (không nên chia quá nhỏ), mỗi nhóm có khoảng 8 đến 10 HS. Dựa vào nội dung SGK mà GV đưa ra những câu hỏi khác nhau cho từng nhóm. Lưu ý là các câu hỏi phải hướng vào trọng tâm bài học, không nên đưa ra câu hỏi quá vụn vặt ngoài lề kiến thức cơ bản. Thời gian thảo luận khoảng 5 đến 10 phút. Yêu cầu các nhóm đều làm việc cùng một lúc để tránh mất quá nhiều thời gian. HS tự tìm hiểu vấn đề sau đó cho các em đại diện tự trình bày theo nhóm. Cũng không nên chỉ định nhóm trưởng mà có thể gọi bất kỳ một HS nào đó trong nhóm để trình bày. Có như vậy mới bắt buộc các thành viên trong nhóm cùng làm việc, cùng hợp tác. Sau khi các nhóm trình bày xong, GV nên cho điểm cộng hay điểm trừ để khuyến khích tinh thần học tập của HS.
Cụ thể, khi dạy bài nước Mỹ, GV trình bày xong 3 giai đoạn (1945-1973, 1973-1991, 1991-2000) thì giới thiệu các lĩnh vực hoạt động nổi bật là kinh tế – khoa học kỹ thuật và chính trị – xã hội. Nếu 2 vấn đề đó là ý lớn thì trong mỗi vấn đề đó lại có các ý nhỏ: các nguyên nhân quan trọng, sự phát triển của từng lĩnh vực trong 3 giai đoạn (trong lĩnh vực kinh tế – khoa học kỹ thuật) hoặc chính sách đối ngoại, chính sách cam kết (trong lĩnh vực chính trị – xã hội). Do các em đã có phiếu học tập (dạng đề cương) nên không cần phải ghi nhiều vào tập mà điền những thông tin cần thiết vào phiếu học tập sau khi thầy cô bộ môn đã “gút” lại.
Môn lịch sử có nhiều bài dài, dung lượng lớn. Vậy làm sao thầy cô truyền tải hết kiến thức cho HS? Cách tốt nhất là GV có sự so sánh giữa các vấn đề, nội dung với nhau để tìm ra điểm giống và khác nhau. Ví dụ: khi nêu nguyên tắc của Liên hợp quốc và nguyên tắc của ASEAN thì chỉ cần so sánh giữa hai nguyên tắc đó thì HS sẽ tìm được nét tương đồng và khu biệt giữa hai nội dung. Nhờ vậy mà HS sẽ rút tỉa được những tri thức cơ bản và đọng lại trong các em kiến thức cần thiết. Một cách học bài nhanh thuộc và mau nhớ là học qua bản đồ. Nhờ có bản đồ (có trong SGK hoặc GV tự làm lấy) mà các em ghi nhớ được sự kiện diễn biến các trận đánh, chiến dịch. Học xong mỗi chương các em cũng có từng sơ đồ và cứ học đến đâu thì bổ sung nội dung vào sơ đồ đến đó. Làm sao khi tổng kết các chương là các em đã có sơ đồ hoàn chỉnh. HS nào chăm chỉ siêng năng thì sẽ nắm vững kiến thức từng phần, từng chương. Tuy nhiên chỉ hiểu bài và thuộc bài thì cũng chưa đủ mà phải biết phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề. Kiến thức SGK lịch sử hiện tại vừa quá hàn lâm lại vừa chi tiết thiếu cô đọng nếu cho HS chép bài theo kiểu thầy đọc, trò ghi thì mất nhiều thời gian mà lại không có hiệu quả.
Phạm Thị Bích Tuyền
(GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)