Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học “Làm sao tránh đọc – Chép?”: Tránh đọc – chép từ một tiết dạy cụ thể

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một tiết học môn văn bằng bản đồ tư duy tại TT GDTX quận 4. Tiết học thông qua các hình ảnh thực tế, giúp HS tiếp thu bài nhanh, tiết học sinh động. Ảnh: Trọng Tri

Ngữ văn là môn học thường phải ghi chép nhiều. Vậy làm thế nào để hạn chế việc thầy đọc- trò chép trong giờ giảng văn?
Đây là câu hỏi cần được trả lời để giáo viên (GV) có định hướng khi thực hiện một tiết dạy cụ thể mà thông qua hình tượng và ngôn ngữ văn học giúp các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp của văn chương và hình thành những quan niệm tốt đẹp, lành mạnh về cuộc sống.
1. Để học sinh (HS) tích cực học tập và tránh tình trạng đọc – chép, GV cần chú ý phương pháp giảng để HS lĩnh hội kiến thức được đầy đủ nhất, trong đó có cả cách ghi bảng của thầy. GV phải xác định, không phải cái gì cũng ghi lên bảng nhất là những kiến thức đã có trong SGK, vì đó là những điều các em đã biết thông qua việc tìm hiểu và nghiên cứu văn bản trước khi đến lớp. Yêu cầu chung nhất là cách ghi bảng phải hợp lý, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ. Bên cạnh đó việc ứng dụng CNTT để bổ sung thêm hình ảnh thích hợp sẽ làm cho bài học thêm sinh động, giúp HS cảm thấy thích thú học tập hơn. 
Đối với tiết giảng văn Ếch ngồi đáy giếng, GV phải hướng đến mục đích cần đạt là giúp HS hiểu được thế nào là truyện ngụ ngôn, hiểu được nội dung, ý nghĩa và một số nét nghệ thuật đặc sắc của câu chuyện. Về mặt giáo dục, HS phải biết liên hệ vào từng tình huống, hoàn cảnh thích hợp và rèn kỹ năng kể chuyện bằng ngôn ngữ riêng. Có nhiều cách giới thiệu bài nhưng GV nên chọn cách trực tiếp và gần gũi nhất như: “Trong cuộc sống không ít người có thói quen chủ quan, kiêu ngạo xem thường những người xung quanh. Tính cách ấy thường đưa họ đến thất bại, có khi phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng mà cả lớp học hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu hơn và thấm thía bài học tư tưởng đó”. Giáo án bài soạn GV cần chia làm 3 cột: Hoạt động của thầy, hoạt động của trò và ghi bảng để khi lên lớp GV “định vị” được công việc của mình. 
2. Trong hoạt động của thầy, GV nên nêu cụ thể từng hoạt động như: Hoạt động 1, 2, 3, 4… gồm đọc hiểu chú thích, đọc hiểu văn bản, câu hỏi thảo luận, luyện tập. Trong đọc hiểu chú thích, GV cần đặt một số câu hỏi mang tính khái quát để hướng vào bài học như: Kể tên các truyện ngụ ngôn mà em biết? Cho biết nhân vật trong truyện là ai? Trong các truyện ngụ ngôn ấy em thích truyện nào nhất? Bài học mà em rút ra được từ câu chuyện đó? HS có thể trả lời bằng nhiều cách, vì thế GV nên ghi nhận và tôn trọng mọi ý kiến cá nhân của từng em. Từ các câu trả lời của HS, GV chốt lại khái niệm về truyện ngụ ngôn, đặc trưng loại truyện dân gian này. Cuối văn bản, SGK có phần chú thích, GV cho các em tự nghiên cứu và chỉ hướng dẫn tìm hiểu một số chú thích khó, ít gặp. Về bố cục của truyện, các em tự tóm tắt và đưa ra ý kiến của mình. Phần này GV chỉ cần ghi bảng các mục: Truyện ngụ ngôn là gì? Bố cục có mấy phần, gồm những phần nào? Nội dung chính của từng phần? 
Phần đọc hiểu văn bản, bằng hình thức phát vấn, GV tiếp tục đưa ra các câu hỏi để cả lớp tìm ra nhân vật chính trong truyện, biện pháp nghệ thuật mà tác giả dân gian sử dụng, những nhận xét về môi trường sống, cách nghĩ của con vật… Từ tầm nhìn hạn hẹp của loài ếch, GV cho cả lớp thấy tính cách kiêu ngạo, chủ quan của chúng. Tính cách đó đã được trả giá khi ếch bò ra khỏi giếng phải chịu một kết cục bi thảm đáng thương nhưng cũng rất đáng giận “nhâng nháo chẳng để ý đến xung quanh nên bị một con trâu giẫm bẹp”. Đến đây GV có thể ghi bảng các mục: Ếch khi ở trong giếng: chủ quan, kiêu ngạo. Ếch khi ra khỏi giếng: nhâng nháo, chẳng để ý đến xung quanh nên bị trâu giẫm bẹp. 
Phần thảo luận của HS, GV đưa ra các câu hỏi có tính chất mở rộng, nâng cao vấn đề như: Thông qua câu chuyện, người xưa muốn gởi gắm đến chúng ta bài học gì? Thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” có giá trị sống như thế nào? Tìm các thành ngữ khác mang nội dung chế giễu, chê cười những người có hiểu biết hạn hẹp, nhưng lại thích huênh hoang, coi mình hơn người khác? Trả lời được các câu hỏi đó là các em đã rút ra cho mình bài học nhẹ nhàng, tự nhiên mà thấm thía về cách sống, lối sống trong cuộc đời của mỗi con người.
Ở phần luyện tập, GV yêu cầu HS tìm và gạch chân hai câu văn quan trọng trong SGK thể hiện nội dung ý nghĩa truyện đồng thời gợi cho các em một số hiện tượng trong cuộc sống ứng với thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”.
3. Như vậy GV không thể ghi hết lên bảng nội dung trong giáo án mà chỉ tóm lược các đề mục quan trọng để cho các em dễ tiếp nhận. Ngay cả các mục: chú thích, ghi nhớ, kết quả cần đạt, GV cũng không cần ghi lại trong SGK mà để các em tự nghiên cứu hoặc mở ngoặc đơn (Xem SGK). Các thao tác đó không ngoài mục đích chống việc đọc – chép của thầy và trò, hạn chế tình trạng GV không giảng mà chỉ cầm sách đọc để bắt các em chép từ đầu đến cuối làm cho giờ học thiếu linh hoạt và chắc chắn sẽ kém hiệu quả.
Tổ Văn, Trường THCS Đống Đa (Q. Bình Thạnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)