Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Có những bước lên lớp phù hợp và rõ ràng

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn có tiết dạy thành công, GV phải có phương pháp lên lớp phù hợp theo tuần tự các bước. Ảnh: N.Anh
Để tiết học đạt kết quả cao, đòi hỏi giáo viên (GV) phải yêu nghề, dạy nhiệt tình và phải có đạo đức, hết lòng vì học sinh (HS) thân yêu.
Theo tôi, một GV muốn có tiết dạy thành công ngoài những nền tảng cơ bản phải có là: “Năng lực GV”,nghĩa là người thầy giáo ngoài năng lực về chuyên môn còn phải hội đủ tất cả năng lực về phương pháp, cách thức tổ chức, sức khỏe, giọng nói, tin học… nếu thiếu một trong những năng lực ấy sẽ đều ảnh hưởng đến việc dạy học.
1. Thực tế cho thấy, một GV cho dù có kiến thức chuyên sâu, nhưng không có phương pháp dạy học tốt, giọng nói khó nghe thì sẽ không đạt kết quả tốt trong dạy học. Thứ hai là “lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm của GV”,tức là khi có đầy đủ năng lực, nếu có thêm lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm tốt thì “không có việc gì khó” nữa. Lòng yêu nghề ở đây là lòng yêu công việc dạy học, coi việc dạy học là niềm vui, lúc nào cũng hứng thú dạy học, phấn đấu phục vụ nhiều cho công tác dạy học, luôn yêu mến HS và có trách nhiệm trong từng bài dạy. Để có một tiết dạy thành công, người GV phải nghiên cứu trước bài dạy. Đây là một công việc không thể thiếu trong các khâu dạy học. Khi có đủ tài liệu thì phải nghiên cứu để định hướng công việc: cần dạy những gì, sử dụng những phương pháp nào, cách thức dạy học ra sao, cần sử dụng những đồ dùng dạy học cần thiết nào, ước lượng thời lượng tổ chức dạy học… Qua thực tế chứng minh: nếu bài dạy nào có sự đầu tư nghiên cứu kĩ thì kết quả mang lại là rất tốt.
2. Công tác chuẩn bị bài dạy có nhiều khâu quan trọng.Đầu tiên là soạn giáo án: Giáo án phải đầy đủ, xác định đúng mục tiêu bài học (phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng), xác định những thiết bị nào cần cho bài dạy. Phần nội dung bài dạy cần chia ba cột theo quy định chung của ngành giáo dục, phải thể hiện đầy đủ nội dung bài học. Hệ thống câu hỏi của GV phải rõ ràng, dễ hiểu, phải có định hướng trả lời của HS (lưu ý: phần hoạt động của GV cần thể hiện những kĩ năng và cách thức hoạt động). Ngoài ra, khi soạn giáo án, GV cần chú ý: hệ thống những câu hỏi phải bám sát theo chuẩn kiến thức – kĩ năng. Tiếp theo là khâu chuẩn bị đồ dùng, thiết bị dạy học: Đối với bài dạy có sử dụng đồ dùng thì phải chuẩn bị, nếu phòng thiết bị có thì liên hệ mượn trước để nghiên cứu, ngược lại thì GV phải tự làm theo yêu cầu của bài. Đối với bài có sử dụng nhiều tranh ảnh, bài có nội dung dài hoặc muốn cho dạy thêm sinh động thì cần liên hệ phòng thiết bị mượn máy chiếu, đồng thời GV cũng cần chuẩn bị thêm giáo án điện tử (giáo án điện tử phải thiết kế khoa học, hiệu quả), bảng phụ…
3. Hoạt động trên lớp của GV. Bước đầu tiên là kiểm tra bài cũ:GV cần tạo sự vui tươi, thoải mái lúc kiểm tra bài cũ, tạo sự hứng thú cho HS phấn khởi để tiếp thu bài mới. Giới thiệu bài mới: GV cần gây ra những thắc mắc, sự tò mò, khi giới thiệu GV phải: vừa tự nhiên, vui vẻ nhưng bám sát vào nội dung cần khai thác. Bài giảng:Đây là nội dung chính của bài. Chính vì vậy GV phải thật sự bình tĩnh, tự tin và quyết đoán trong giảng dạy. Đồng thời khi giảng dạy GV phải tạo sự thoải mái, vui vẻ tạo sự hứng thú học tập cho HS. Khi đặt câu hỏi phải chính xác, tránh lặp lại câu hỏi nhiều lần, GV cần bao quát lớp tốt để dạy cụ thể hóa từng đối tượng HS (HS yếu kém làm việc ít, còn HS khá giỏi làm việc nhiều hơn chọn thời gian thích hợp trong tiết dạy). Việc dạy học phải linh hoạt, phải biết kết hợp tốt các kĩ năng: hỏi đáp, diễn giải, viết bảng, quan sát, phân tích, tổng hợp… Củng cố: GV cần củng cố ngắn gọn, nhưng phải sinh động, có thể củng cố bằng các trò chơi làm cho lớp sinh động, nhưng phải phù hợp nội dung bài, phải có hiệu quả. Hướng dẫn về nhà: GV cần hướng dẫn HS học kĩ càng, làm tốt các câu hỏi sách giáo khoa, các bài tập, chuẩn bị tốt bài mới. GV cần quy ước cho HS những quy định của việc kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra đánh giá kết quả HS: Việc kiểm tra đánh giá HS nhằm đánh giá được khả năng học tập của từng HS, phân loại được trình độ HS. Từ đó có thể lập kế hoạch bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém tốt hơn. Ngoài ra, thông qua kết quả học tập của HS mà GV có thể điều chỉnh quá trình dạy học của chính mình. Việc kiểm tra đánh giá cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Các đề kiểm tra phải đúng theo quy định về cấu trúc, phải có đầy đủ ma trận đề và hướng dẫn chấm, khi chấm bài GV cần chỉ ra chỗ sai của HS và có nhận xét về bài làm của HS.
 
4. GV có một tiết dạy thành  công thì phải có sự chuẩn bị bài giảng chu đáo, đầy đủ; phải có phương pháp lên lớp phù hợp “Thành công có phương pháp – Thất bại có nguyên nhân”, cùng cách thức tiến hành bài giảng tuần tự các bước. Từ đó, giúp GV truyền tải được trọng tâm và nội dung bài học. Những bước lên lớp phù hợp và rõ ràng sẽ giúp HS hiểu và nắm bài ngay tại lớp điều đó cần phải có sự phối hợp chuẩn bị, và sự tương tác bài giảng, nội dung bài giảng của GV và HS. HS hiểu bài, biết vận dụng bài học vào làm bài tập và kiến thức đó làm nền cho bài học tiếp theo. Đây là những ý kiến của riêng tôi. Rất mong sự chia sẻ, đóng góp chân thành để tôi và các GV khác có nhiều tiết dạy thành công hơn nữa.
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)