Việc chuẩn bị bài trước khi lên lớp là rất quan trọng – một trong những yếu tố quyết định sự thành công của tiết dạy. Ảnh: N.Q
|
“Xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó khoái”, đó là lời nhận xét vui nhưng thật của tôi sau khi được dự giờ những tiết dạy có sử dụng đồ dùng dạy học hay những tiết dạy được giáo viên trình chiếu Powerpoint. Bởi những tiết dạy ấy học sinh vui hơn, sinh động hơn và hiểu bài hơn (rất ít tiết dạy không đạt yêu cầu). Tôi là người dự giờ (là người lớn) còn thích huống chi các em học sinh, những tiết dạy đó tôi dễ theo dõi bài và dễ ghi chép.
Với tiết dạy “Phép cộng trong phạm vi 7”, nếu giáo viên dạy không có đồ dùng dạy học, cô giáo đọc đề: Đĩa cam có 6 quả, cô đặt thêm 1 quả. Vậy đĩa cam có mấy quả? Các em suy nghĩ, tất nhiên các em cũng có thể trả lời được nhưng chưa chắc tất cả đều biết. Nhiệt tình hơn chút xíu, giáo viên thao tác trên đồ dùng dạy học: Cô có 6 con bướm, cô đính thêm 1 con bướm nữa là mấy con bướm? Các em có thể nhìn, đếm và trả lời: … là 7 con bướm. Với tiết nào cũng thực hiện như thế thì học sinh cũng sẽ dễ nhàm chán. Những năm gần đây, việc giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã giúp tiết học sinh động hơn. Cô H. dạy lớp 1/1 đã cài những hình ảnh con vật với những hoạt động phù hợp (thỏ chạy, người bước đi, ngựa phi, bướm bay…) rất dễ thương cùng những hiệu ứng hợp lí để xuất hiện phép tính và kết quả cần tìm. Giúp học sinh dễ nắm bài. “Một đàn bướm 6 con đang bay, 1 con nữa bay đến. Hỏi đàn bướm có mấy con?”.
Với tiết dạy môn tự nhiên xã hội bài “Sự sống”, cô H. đã chiếu cho các em học sinh xem một đoạn phim thật sinh động: Từ một cái búp, cái nụ phút chốc nở thành cái hoa với màu sắc sặc sỡ; những cái trứng theo thời gian thành những chú vịt xinh xắn tung tăng bơi lội; từ một chiếc hạt rồi nảy mầm, thành cây con và lớn nhanh… Có thể những điều đó học sinh đã biết hoặc chưa biết, nhưng với đoạn phim tuy ngắn nhưng cũng đủ giúp các em thấy sự sống của động, thực vật như thế nào.
Với tiết dạy của cô Th. lớp 2/1, cô cho xuất hiện những con vật trên cùng một slide với những tên gọi có hiệu ứng ẩn. Để khi học sinh nêu đúng tên con vật, hiệu ứng xuất hiện cùng với lời nhận xét cài sẵn “Đúng rồi” và tiếng vỗ tay vang dội. Sau khi lật hết các tranh, trên slide tranh ấy chỉ còn lại những từ mà giáo viên cần cho xuất hiện. Và như thế giáo viên đã đỡ rất nhiều thời gian cho tiết dạy (thay vì giáo viên ghi bảng khi học sinh nêu), thời gian dôi ra giáo viên dành cho học sinh ghi vở hoặc rèn luyện thêm nội dung khác.
Cũng cô Th. với phân môn luyện từ và câu – bài “Mở rộng vốn từ”: Từ ngữ về công việc gia đình; câu kiểu ai làm gì? Với yêu cầu chọn và xếp các từ ở 3 nhóm thành câu: Nhóm 1: Em, chị em, Linh, cậu bé; nhóm 2: Quét dọn, giặt, xếp, rửa; nhóm 3: Nhà cửa, sách vở, bát đũa, quần áo. Cô có thể sử dụng Powerpoint để khi học sinh ghép và nêu câu “….”, giáo viên có thể thực hiện hiệu ứng một cách nhanh chóng. Nhưng cô chọn phương án sử dụng thẻ từ, mỗi thẻ là một từ hoặc một ngữ. Một mặt cô muốn cho các em có thể dời thẻ khi các em thực hiện chưa đúng, chưa sát nghĩa, nhưng chủ yếu là cô muốn cho các em thao tác trên thẻ để các em dễ nhớ bài hơn.
Theo tôi, việc chuẩn bị bài, đầu tư cho bài trước khi lên lớp là một việc hết sức quan trọng, nó là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của tiết dạy. Nhưng lưu ý thêm, giáo viên khi sử dụng trình chiếu Powerpoint, cần chuẩn bị thêm một phương án dạy khác (phòng khi máy hư hay cúp điện).
Trần Mỹ Lệ
(Trường Tiểu học Bình Quới, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)