Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Đừng xem nhẹ kỹ năng truyền đạt

Tạp Chí Giáo Dục

Cho học sinh tiếp xúc với thực tế là một trong những hoạt động để bài giảng của giáo viên thêm sinh động. Ảnh: Q.Huy
Trước khi bước lên bục giảng, giáo viên cần phải xác định trước mục đích và yêu cầu của trọng tâm bài giảng, để từ đó soạn giáo án sao cho chu đáo, cẩn thận. Ở bậc tiểu học, sau khi soạn giáo án xong, giáo viên đều dành thời gian (khoảng vài giờ) làm đồ dùng dạy học để sử dụng vào các hoạt động của bài giảng. Đối với các em nhỏ tuổi, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2, nếu giáo viên chỉ dạy lý thuyết chung chung mà không có những hình ảnh trực quan sinh động thì có thể dẫn đến thất bại. Chẳng hạn, ở môn tự nhiên xã hội, khi dạy bài Con gà cho học sinh lớp 1, do các em ở TP chưa tận mắt thấy hình thù con gà ra làm sao nên tôi phải minh họa cho các em biết bằng hình vẽ. Và để tạo không khí cho lớp học vui vẻ, tôi chia lớp học ra làm 6 nhóm và cho mỗi nhóm 1 bức tranh về con gà, trong đó có các hình chữ nhật nhỏ ghi tên các bộ phận của con vật này để 6 nhóm dùng bút lông nối từng bộ phận của con vật đến từng ô chữ. Nhóm nào hoàn thành nhanh nhất và đúng sẽ được cô giáo tuyên dương trước lớp. Tiếp đó, tôi sẽ cho các em phân biệt: gà trống, gà mái, gà con bằng ba hình vẽ lớn được dán trên bảng và kêu các em nhìn vào bức tranh để nhận xét chúng khác nhau như thế nào về ngoại hình cũng như chức năng… Việc nhìn vào hình vẽ rồi nhận xét sẽ giúp các em học sinh tự tìm ra tri thức để ghi nhớ bài học sâu và lâu hơn.
Có thể nói, ngoài việc sử dụng hình vẽ, giáo viên còn có thể sử dụng nhiều hình thức khác như giảng bài bằng giáo án điện tử, thu thập các hình ảnh trên internet rồi trình chiếu cho học sinh xem thì các em sẽ chú ý hơn thay vì giảng bằng lý thuyết suông. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà hầu hết các trường tiểu học gặp phải hiện nay là thiếu sân chơi, thiếu cây cảnh nên việc cho các em học sinh được nhìn trực tiếp các loại cây là rất khó, chủ yếu giáo viên dùng hình ảnh để mô phỏng lại.
Vì thế, đối với học sinh tiểu học, khi giảng bài về các loại cây hoặc về bầu trời, nếu có thời gian giáo viên nên dẫn các em đi học một tiết học ngoại khóa ở công viên thì bài học sẽ hữu ích hơn.
Có đồ dùng dạy học cộng với kiến thức chuyên sâu vẫn chưa đủ để làm nên hiệu quả của một bài giảng, mà theo đó giáo viên còn phải có kỹ năng – kỹ xảo nữa. Bởi khi đứng trên bục giảng, nếu lời nói, gương mặt, cử chỉ, thao tác của giáo viên không thu hút được học sinh thì chắc chắn bài giảng cũng thất bại. Với học sinh tiểu học, những lời khen của giáo viên sẽ là động lực để thúc đẩy các em hăng hái học tập, vì thế, ngay sau khi học sinh trả lời xong, giáo viên nên chú ý đến lời khen của mình. Tiếp đó là trong lúc giảng bài, nếu giáo viên biết cách tổ chức trò chơi linh động, hấp dẫn thì tiết học sẽ đạt được hiệu quả cao. Chẳng hạn, khi giảng bài về Con gà nói trên, một trong những hoạt động mà tôi thường cho học sinh làm là hát các bài hát như: Đàn gà con, Đàn gà trong sân… để các em nhận diện về các con gà. Tiếp đó, tôi chia học sinh làm 3 tổ và đặt tên từng tổ là gà mái, gà trống và gà con, sau đó tôi hỏi tiếng kêu của từng con gà như thế nào để các em thực hiện. Hoạt động cuối cùng là cho các em thảo luận thêm về lợi ích của con gà rồi tổng kết lại bài học cho các em. Những buổi học gắn liền lý thuyết, âm nhạc, thảo luận… như vậy sẽ hữu ích với học sinh tiểu học, bởi các em đang ở độ tuổi hiếu động, chúng ta không thể bắt các em ngồi yên cả 40 phút chỉ để giảng bài lý thuyết.
Phạm Thị Lệ Chi
(GV Trường TH Đuốc Sống, Q.1)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)