Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Giáo viên cần linh động

Tạp Chí Giáo Dục

Các tiết học có sự kết hợp của thầy và trò sẽ hiệu quả một cách dễ dàng. Ảnh: T.Tri

Một tiết học hiệu quả thành công đòi hỏi giáo viên (GV) cần có sự giảng dạy linh động đối với từng môn. Tuy nhiên, đối với học sinh (HS) tiểu học, các em bắt đầu tiếp cận với cuộc sống bên ngoài, bắt đầu đến trường – mọi nhận thức ban đầu sẽ hình thành nên thói quen, sẽ gắn bó và đi theo các em về sau. Vì thế, GV nên xác định – định hướng những tiết học làm sao giúp các em có thói quen, ý thức phấn đấu học tập ngay từ còn nhỏ.

Chẳng hạn với bộ môn toán, khi giao bài tập về nhà làm, HS có thể hoàn thành bằng nhiều cách khác nhau: do tự bản thân và cũng có thể do người nhà làm giúp các em hoàn thành. GV không nên dựa vào kết quả bài tập mà nhận xét, đánh giá năng lực của từng HS, thay vào đó nên kiểm tra năng lực HS bằng cách cho các em làm những bài khác với nội dung tương tự bài cũ mà các em đã làm. Thông qua kết quả đó, GV có thể đánh giá được năng lực học của từng em để có biện pháp kèm cặp thêm. Điều này sẽ gây khó khăn cho những em có học lực yếu, trung bình, tuy nhiên qua đó sẽ giúp các em hình thành nên tính tự lực, không ỷ lại, phụ thuộc vào người khác và rèn tính chủ động thay vì thụ động.
Ngược lại, đối với môn lịch sử là một trong những môn nhằm mang lại kiến thức xã hội là chính, điều này đồng nghĩa với việc các em phải “dung nạp” một lượng kiến thức khá nhiều. “Hoàn cảnh” này đòi hỏi GV phải có cách lôi cuốn các em vào môn học một cách hứng thú, đam mê và không rơi vào trạng thái chán ngán. GV có thể biến các chuỗi sự kiện, các tình tiết sự việc phức tạp thành những tập phim khác nhau. Mỗi giai đoạn là một nội dung, mỗi chương là một chủ đề… Để được xem những tập phim đó, GV nên giao cho HS tìm hiểu trước, nắm kỹ bài học theo nhóm. Khi lên lớp, GV tạo điều kiện cho các nhóm hoạt động, kể lại sự việc mà các em đã chuẩn bị. Sau đó, GV sẽ là người đúc kết, nhận xét những gì từng nhóm chuẩn bị và giảng giải lại nội dung bài học như là một câu chuyện có các sự kiện, nhân vật. Đặc biệt, kết thúc bài, GV cần đưa ra các câu hỏi gợi mở liên kết bài trước với bài sau như: Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra sau câu chuyện này? Liệu trận chiến này có thắng không? Để biết kết quả, chúng ta sẽ được xem tiếp ở tập phim buổi sau.
Bằng lối học này, HS nhớ bài học sâu hơn thông qua câu chuyện, các cột mốc thời gian như một bộ phim, quan trọng hơn – các em có hứng khởi để chờ đón tiếp những “tập phim” sau.
Làm được điều này, ban đầu sẽ mất khá nhiều thời gian. Với một tiết học ở tiểu học chỉ 40 phút sẽ không đủ, tuy nhiên nếu có sự cố gắng của GV thì các tiết học cũng sẽ đi vào nề nếp, thói quen các em được hình thành, rèn luyện. Các tiết học diễn ra có sự kết hợp của thầy và trò thì sẽ thành công, hiệu quả một cách dễ dàng.
Bùi Thị Thanh Huyền
(GV khối 5, Trường TH Đuốc Sống, Q.1, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)