Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Nắm vững các phương pháp

Tạp Chí Giáo Dục

GV phải quan tâm đến tất cả HS, dù chỉ dạy một tiết. Ảnh: N.Anh

 

Để có một tiết dạy tốt (thành công), giáo viên (GV) phải làm gì? Theo tôi, hiểu một tiết dạy tốt của người thầy bao hàm cả tiết học tốt của trò. Tiết dạy tốt phải là tiết dạy dễ hiểu, rõ ràng, rành mạch, có trật tự, làm cho học sinh (HS) hứng thú, chăm chú nghe giảng một cách tập trung. Dạy xong, HS nắm vững nội dung bài giảng, khắc sâu được kiến thức trọng tâm, ứng dụng làm được bài tập, nếu là môn khoa học tự nhiên. Với các môn văn, sử… ngoài việc hiểu bài, cảm nhận đầy đủ, sâu sắc nội dung, các em còn lắng đọng suy tư về những ý tưởng, về các sự kiện, về những tình cảm cao đẹp của các hình tượng, nhân vật trong bài học mà GV đã truyền đạt. Do đó, để dạy được tốt, GV phải đối mặt với nhiều yêu cầu và đòi hỏi về nhiều mặt, không chỉ một tiết dạy mà cả một đời dạy học, một “cái nghiệp” mà mình đã chọn. Muốn vậy, người thầy phải hội đủ năm điều kiện sau. Một là: GV phải có một vốn kiến thức sâu rộng về bộ môn mình đảm trách, để có thể “lớn hơn HS một cái đầu” và “để biết mười mà dạy một”. Hai là: Nắm vững các phương pháp. Ta thường nói “nội dung nào phương pháp ấy”. Dạy hóa học không thể mô tả chung chung mà phải làm thí nghiệm phản ứng hóa học. Dạy địa lý phải hướng dẫn trên bản đồ. Dạy sinh học phải có giáo cụ trực quan, để các em được quan sát mổ xẻ như cây trái, cóc nhái… Ba là: Phân phối thời gian hợp lý. Xác định cho được đâu là nội dung trọng tâm của bài, để dành thời gian thích đáng. Có như vậy mới tránh được miên man sa đà vào những phần “râu ria”. Bốn là: Phải quan tâm đến đối tượng HS mà ta giảng dạy. Đã đành cùng một lớp là có một trình độ phổ thông như nhau, nhưng lại khác biệt về mặt tâm sinh lý. Có em hay lơ đãng, thiếu tập trung, có em tiếp thu chậm, có em “ngồi nhầm lớp”… Vì vậy, với một người thầy, ta vẫn phải có trách nhiệm quan tâm đến tất cả các em, dù chỉ dạy một tiết, dù không phải GV chủ nhiệm. Có thể bằng nhiều cách, bất chợt hỏi một câu để “đánh thức” một em đang lơ đãng, hay đặt một câu hỏi để kiểm tra em tiếp thu chậm, hoặc hỏi cả lớp xem có nội dung nào chưa hiểu để giảng lại kỹ hơn… Năm là: Như các bạn đã nêu ở số báo trước: Cần chuẩn bị kỹ, để có thể sẵn sàng giải đáp được các câu hỏi của HS đặt ra. Có thể có những câu hỏi thật thông minh, cũng có thể có những câu hỏi “cắc cớ, ngớ ngẩn” mà ta chưa lường hết được. Nếu hết thời gian hoặc “bí quá” ta đành khất lại tiết sau để tra cứu thêm. Điều đó, chẳng có gì đáng sĩ diện cả, chỉ có dạy sai kiến thức mới đáng “mắc cỡ” thôi.
Tóm lại: Để dạy tốt một tiết hay dạy tốt cả đời, GV cần phải học, và tiếp tục học hoài để tích lũy kiến thức. GV phải có một quá trình chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho một tiết dạy, không được hời hợt chủ quan. Tất nhiên là phải bám vào nội dung chính của sách giáo khoa. Vì đó là “pháp lệnh”. Song không quá câu nệ và lệ thuộc vào sách mà phải tìm tòi chuẩn bị thêm một số kiến thức, một vài ví dụ để mở rộng, để minh họa, làm phong phú thêm cho bài giảng.
Tôn Tuyết Dung
Cần sự hợp tác tích cực của thầy và trò
Trên lớp, người thầy phải linh hoạt trong phương pháp giảng dạy để HS hiểu và tích cực tham gia vào các hoạt động học tập. GV phải làm thế nào để thể hiện được sự năng động và sáng tạo trong từng tiết dạy của mình. Hay nói đúng hơn phải có những “chiêu thức” khác nhau để tạo niềm hứng khởi đối với HS ở môn học mình phụ trách. Ví dụ, bắt đầu một tiết dạy, thay vì nêu câu hỏi trả bài thông thường, GV có thể thay thế bằng một tình huống cụ thể trong đời sống hàng ngày để dẫn dắt các em vào bài học. Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy hiện nay cũng góp phần vào sự thành công của tiết dạy nếu GV biết vận dụng hợp lí và không gây nhàm chán với HS. Không phải lúc nào cũng chiếu và chiếu” mà chúng ta phải ứng dụng thế nào cho “cần và đủ”. Một điều quan trọng nữa, đó là GV phải làm sao cho HS thể hiện được mình trong từng tiết dạy. Trong một lớp học có nhiều HS với trình độ khác nhau, vì thế chúng ta phải có một sự phân công hợp lí trong những hoạt động học tập. Hay nói đúng hơn là người thầy phải hiểu được học trò mình để giúp các em có được niềm hứng thú trong học tập cho dù các em là HS giỏi hay trung bình, yếu, kém. Bằng những thủ thuật khác nhau trong các hoạt động giảng dạy, người thầy sẽ tạo cho học trò mình một môi trường học tập thuận lợi để từ đó các em có được một động cơ tốt hơn qua từng tiết học.
Sự hợp tác tích cực giữa thầy và trò sẽ là một yếu tố quan trọng trong tiết dạy. Chúng ta đừng quan niệm rằng HS chỉ là một người học mà phải xem các em là một “đối tác” trong các hoạt động giáo dục. Cũng như trong kinh doanh, trong giáo dục cũng thế, người thầy phải làm thế nào để cho “đối tác” thấy được lợi ích của mình thì sẽ thành công.n
Lê Tấn Thời
(Trường THCS Thị trấn Chợ Mới, An Giang )
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)