Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Phân loại từng đối tượng học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn tiết dạy thành công, giáo viên phải phân bố thời gian từng hoạt động sao cho hợp lý
Ảnh: N.Quang

Một tiết dạy ở bậc tiểu học vỏn vẹn từ 35-40 phút và ở bậc THCS, THPT là 45 phút nên việc dạy học sao cho hứng thú và đạt hiệu quả cao nhất là một nghệ thuật mà không phải giáo viên nào cũng có thể làm được một cách trọn vẹn theo ý tưởng mà họ đã soạn trong giáo án.

Cá thể hóa từng đối tượng HS
Theo chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM từ năm học trước, việc phân loại HS theo định hướng cá thể hóa đã đi vào chiều sâu và đã có tác dụng tốt trong việc nắm chắc trình độ của từng HS. Từ đó, giáo viên sẽ soạn ra được hệ thống các câu hỏi phù hợp với từng đối tượng HS để nắm kiến thức theo khả năng tiếp nhận riêng của từng em. Do đó, việc đầu tiên là giáo viên phải nắm thật chắc trình độ HS của lớp để chia nhóm theo đối tượng và giao việc cụ thể không quá dễ cũng không quá khó để kích thích sự hứng thú của các em. Khi đã phân loại được từng nhóm HS, giáo viên sẽ có những định hướng, những “thủ thuật” khác nhau để làm cho bài giảng sinh động hơn với nhiều hình thức học tập vui nhộn để HS như vừa học – vừa chơi. Làm được điều này, giáo viên đã thành công được một nửa của tiết dạy học.
Chốt nội dung chính cho cả lớp cùng nắm
Dù phân loại theo từng đối tượng HS nào thì việc đó cũng chỉ áp dụng trong quá trình HS được hợp tác làm việc theo sự gợi mở của giáo viên. Điều quan trọng là sau khi các hoạt động diễn ra, giáo viên cần chốt ý chung, nội dung cốt lõi cho HS ghi nhớ để cả lớp một lần nữa được khẳng định lại những gì đã được hợp tác làm việc và như vậy, kiến thức mà các em được nắm sâu hơn. Điều này cũng rất quan trọng vì đây là phần “chốt” nội dung chính từ phía giáo viên để HS làm cơ sở tiếp thu kiến thức. Có những tiết dạy mà tôi được dự giờ, các em hoạt động rất nhiều, thảo luận rất sôi nổi và hình thức cũng đa dạng. Tuy nhiên, giáo viên lại “quên” không chốt ý và chính điều này, tâm trạng HS hơi hoang mang vì giáo viên đã không khẳng định lại kiến thức mà lướt qua hoạt động khác. Vì vậy, tiết dạy này cũng chưa đạt hiệu quả như ý muốn.
Phân bổ thời gian hợp lý
Một vấn đề cũng không quá lớn nhưng nhiều giáo viên lại bỏ quên đó là việc điều phối thời lượng cho từng hoạt động cho hợp lý. Có những hoạt động phụ mà lại chiếm thời gian quá dài và ngược lại, có những kiến thức trọng tâm mà thời gian không đủ để cho HS tìm ra kiến thức. Vì vậy, các hoạt động này chỉ mang tính hình thức, không mang tính thực tiễn để các em cùng thảo luận, cùng tìm ra mấu chốt của vấn đề. Tôi cho rằng, với khoảng thời gian đã quy định cho từng khối lớp thì khi soạn giáo án, định hướng phương pháp, hình thức tổ chức lớp, giáo viên nên chú ý đến việc phân bổ thời gian cho từng hoạt động sao cho hợp lý nhất để tiết dạy thực tế sẽ hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Trần Minh Duy
(Trường Quốc tế Việt Úc)

Việc định hướng HS theo dạng cá thể hóa sẽ góp phần làm cho từng HS hứng thú khi tiếp thu bài học và tiết dạy sẽ trở nên nhẹ nhàng, đạt hiệu quả cao.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)