Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Tạo tâm thế – bí quyết thành công trong dạy văn

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn có được những câu hỏi mang nội dung gợi tình huống tư duy và tâm lý, trước hết người thầy phải đọc kỹ, nghĩ sâu tìm ra những gì ở đó là đẹp, là hay… Ảnh: N.Quang

Tạo bằng được tâm thế giao hòa háo hức khiến học sinh say sưa tắm mình trong trường văn chương, từng bước tự mình tìm thấy văn thấy mình với những cảm xúc bất ngờ, mới mẻ lý thú. Đó thực sự là tiền đề để tiết dạy văn theo hướng đổi mới gặt hái thành công.

Giờ văn là giờ của cảm xúc, của sáng tạo, của những niềm háo hức mê say. Mọi sự nhàm chán, khiên cưỡng về tâm lý đều là nguyên nhân thất bại của một giờ văn. Vậy làm thế nào tạo được tâm thế cho học sinh trong giờ văn? Bước đầu chúng tôi xin đề xuất một số ý sau:
1. Trước hết thầy cô phải tạo được cho mình một tâm thế thanh thản, bình tĩnh, tự tin. Muốn vậy thầy cô phải cố nén lòng quên đi những gì vướng bận lo toan nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, giấu đi những giọt nước mắt (nếu có). Bước lên bục văn với các em là thầy cô phải có cảm giác bước vào một thế giới hoàn toàn mới, tràn đầy hưng phấn thiết tha với sứ mệnh cao cả thiêng liêng là người đưa đường mở cửa dẫn các em tan hòa vào vương quốc của cái đẹp để được cười, được khóc không phải cho mình mà cho giai cấp mình, dân tộc mình; thế giới những thân phận khổ đau trên trái đất này. Như thế trong suốt giờ văn, người thầy phải biết quên mình để sống hết mình với văn, với học trò. Người dạy văn không chỉ là nhà khoa học, nhà sư phạm, mà còn là nghệ sĩ trên bục giảng.
2. Còn tâm thế của học sinh? Ta phải giúp đỡ các em tạo ra như thế nào? Muốn làm tốt điều này người thầy phải thực hiện một cách thật nhuần nhuyễn, thật nghệ thuật mọi bước, mọi thao tác, mọi kỹ năng bộ môn: Khâu tổ chức sao cho thật trang nghiêm mà gần gũi, thân tình; Khâu kiểm tra bài sao cho thật nghiêm túc, công bằng, hiệu suất mà rất nhẹ nhàng, hứng thú có ý nghĩa khởi động thu hút cả lớp bước vào trường tư duy cảm xúc; Khâu mở bài sao cho thật ngắn gọn, phù hợp, xúc động tạo được cái phông hấp dẫn, bắt được nhịp cầu tự nhiên dẫn các em vào bài mới một cách lý thú; Khâu diễn giảng sao cho không thừa, không thiếu, thật đúng lúc, đúng chỗ, có tính gợi hình, gợi cảm, hàm xúc thấm động nhẹ nhàng rót vào lòng học sinh; Khâu yêu cầu học sinh soạn bài mới sao cho thật tự giác, chất lượng.
Song, một trong những khâu quan trọng học sinh cần được tạo tâm thế nhất mà chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu là khâu đàm thoại, gợi tìm trong giờ giảng văn.
Tạo tâm thế bằng những câu hỏi có nội dung gay cấn, khêu gợi, kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của các em:
Ví dụ 1: Ở bài Lượm có đoạn
“… Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân
Thôi chào đồng chí
Cháu đi xa dần.”
Hỏi: Theo em đây là lời chào của ai? Lượm? Hay nhà thơ? Tại sao em lại khẳng định như vậy?
Ví dụ 2: Trong bài ca dao thằng Bờm kết thúc bằng câu: “Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cười
Hỏi: Tại sao Bờm không nhận đổi những thứ cao sang lại chỉ đổi nắm xôi? Bờm dại ư? Tham ăn ư? Nào xin ý kiến của các em?
Ví dụ 3: Trong truyện Cây bút thần có chi tiết: “Tên vua cướp bút thần của Mã Lương vẽ núi vàng thành núi đá, vẽ thoi vàng thành mãng xà”.
Hỏi: Ồ! Sao lại vô lý thế nhỉ? Bút thần đã thay đổi phép lạ rồi chăng? Nào, đố em nào tìm ra câu trả lời?
Vậy làm thế nào để có được những câu hỏi mang nội dung gợi tình huống tư duy và tâm lý như thế? Theo chúng tôi, vấn đề trước hết là người thầy phải đọc kỹ, nghĩ sâu, say với tác phẩm, thực sự tìm ra những gì ở đó là đẹp, là hay, là lạ, là xúc động để mình yêu, mình sướng. Thầy có cháy bỏng với những phát hiện mới lạ đó thì thầy mới tìm ra con đường lạ, mới để đến với trái tim học trò. Những phát hiện mới này chính là linh hồn làm nên sự sống cho những câu hỏi có sức gợi tư duy. Những phát hiện đó không cần phải là những gì xa lạ cao siêu. Sự phát hiện khám phá có khi chỉ là sự tinh ý nhận ra sự ngắt nhịp cho đúng trong giọng đọc một câu thơ.
(còn tiếp)
NGƯT. Nguyễn Ngọc Ký

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)