Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Thiết kế các trò chơi

Tạp Chí Giáo Dục

Khi chuẩn bị giáo án cho tiết dạy từ vựng tiếng Việt, GV cần chú ý bốn nguyên tắc không thể bỏ qua là trực quan, hệ thống, chức năng và lịch sử. Ảnh: N.Anh

Dạy học sinh tiểu học rất khó, vì các em đang ở độ tuổi hiếu động nên không thể ngồi một chỗ tiếp thu bài giảng, do đó giáo viên (GV) phải đưa ra nhiều hoạt động để qua đó các em được chơi mà vẫn tiếp thu bài học tốt. Thông thường, khi dạy học sinh những phép tính cộng, trừ, nhân, chia, tôi thường đưa ra các trò chơi như rung chuông vàng, quả trứng nở, một chuyến tàu an toàn… nhằm giúp các em có hứng thú hơn khi tham gia giải bài tập.

Chẳng hạn, bài Đặt tính rồi tính của chương trình lớp 3, thay vì ghi bài tập lên bảng và cho từng học sinh làm bình thường thì tôi chuyển sang hình thức khác là tổ chức trò chơi gà ấp trứng. Theo đó, tôi gắn một quả trứng làm bằng tờ giấy niko ép plastic và dùng bút lông ghi ra ngoài, ví dụ: 32+37=?. Sau đó, học sinh sẽ giơ tay phát biểu, khi các em trả lời và tôi nhận xét, sau đó tôi sẽ mở đầu quả trứng ra và kết quả sẽ hiện bên trong quả trứng. Hay ở bài phép nhân của hệ số 7, có bài tập điền số thích hợp vào dãy số, tôi thường vẽ hai đoàn tàu, trong đó có cả đầu tàu và những ô vuông là toa tàu lên bảng. Tiếp đó, tôi điền các dãy số lần lượt ở từng ô là 7…?….21…? ….35….?…49…?…. Trong các ô có dấu hỏi là phần dành cho học sinh điền các con số thích hợp với phép nhân của hệ số 7. Sau đó tôi sẽ nói với các em là hai đoàn tàu này đang đi từ Hà Nội vào TP.HCM thì bị một cơn bão lớn quét mất một số toa tàu. Vậy cô nhờ các con chia thành hai nhóm lên khôi phục lại các toa tàu đã mất để giúp đoàn tàu về ga an toàn, nhóm nào khôi phục nhanh và đúng nhất sẽ chiến thắng. Vậy là các em nhanh chóng chia thành hai nhóm, mỗi nhóm cử khoảng 5 bạn lần lượt lên bảng để điền số thích hợp, các bạn ở dưới cổ vũ và hỗ trợ. Với cách chuyển đổi hình thức từ việc yêu cầu các em quan sát dãy số và sửa bài thành những trò chơi như thế này sẽ giúp tiết học sinh động, học sinh hứng thú hơn.
Khi học sinh làm đúng bài toán thì chúng ta cũng nên tuyên dương các em trước lớp vì ở lứa tuổi này, các em thường rất phấn khởi với những lời khen để tham gia học tập.
Lê Thị Hương (Q.Thủ Đức)

Bốn nguyên tắc GV cần chú ý
Công việc chuẩn bị của GV trước khi soạn giáo án và thực hiện tiết dạy là rất cần thiết. Tuy nhiên, kinh nghiệm giảng dạy trong thực tế thì khó có một mẫu chung và cũng không nên có một mẫu cứng nhắc cho mọi môn học. Thông thường, người thiết kế bài giảng phải căn cứ trên mục đích nội dung và nguyên tắc dạy học kết hợp với đối tượng và nội dung cụ thể của từng bài giảng. Từ đó mới có một bài giảng cụ thể nhất định. Ở đây tôi xin đề cập đến việc chuẩn bị cho tiết dạy từ ngữ tiếng Việt bậc THCS.
Đầu tiên là khâu nghiên cứu sách giáo khoa. Ở bước đầu tiên này, GV phải xác định được số lượng kiến thức cần thiết bên cạnh xác định rõ trọng tâm của bài. Đặc biệt chú ý đến định lượng vừa sức theo mục đích của tiết học. Nghiên cứu sách giáo khoa là “thủ tục hành chính” bắt buộc mà không GV nào bỏ qua. Như thế vẫn chưa đủ, chúng ta cần nghiên cứu thêm tài liệu tham khảo. Đây là phần kiến thức mở rộng nhằm giải quyết những tình huống “đột biến” trong bài giảng. Trong tiết dạy, GV có thể gặp những câu hỏi bất ngờ mà các em học sinh giỏi thắc mắc. GV không chỉ trả lời mà phải trả lời đúng. Khi chuẩn bị giáo án, GV còn tiên liệu xem các tri thức trong bài giảng có phần nào liên quan đến chương trình lớp dưới và tri thức đó sẽ được tiếp nối ở lớp trên như thế nào? Dựa vào các cơ sở đó để soạn giáo án thì chắc chắn kiến thức bài mới sẽ mang tính tổng hợp và sát thực tiễn hơn.
Đối với môn từ ngữ, khi dạy GV cần chú ý bốn nguyên tắc: Thứ nhất là nguyên tắc trực quan. Nguyên tắc này đòi hỏi đảm bảo mối liên hệ của từ với hiện thực khách quan mà từ đó biểu đạt thông qua các phương tiện trực quan như tranh ảnh, đọc, viết, nghe. Thứ hai là nguyên tắc hệ thống. Đây là nguyên tắc rất đặc trưng của từ ngữ tiếng Việt thông qua việc tích lũy và rèn luyện kỹ năng phải theo hệ thống. Thứ ba là nguyên tắc chức năng. Từ ngữ được chia thành từ loại và nét đặc biệt của nó là chức năng ngữ pháp. Thứ tư là nguyên tắc lịch sử. Đi từ từ nguyên (từ địa phương, từ cổ, Hán Việt), nghĩa của từ có thể thay đổi theo thời gian, cách dùng phổ thông của số đông. Đó là hiện tượng biến nghĩa của từ. GV dạy văn không thể bỏ qua bốn nguyên tắc này khi dạy học môn từ ngữ.
Mai Anh Tuấn (GV ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)