Muốn có một tiết dạy thành công, GV rất cần sự tư vấn của các cán bộ quản lý trong nhà trường. Ảnh: N.Anh
|
Một tiết dạy thành công (một tiết dạy hay, một tiết dạy tốt) là một tiết dạy đạt được mục tiêu bài học, phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng, có phương pháp giảng dạy và học tập tương thích với nội dung bài học, thỏa mãn được niềm đam mê của người thầy trên bục giảng và niềm hứng thú của học trò trong giờ học.
1. Một tiết dạy được gọi là thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giáo án, sự chuẩn bị, sự đầu tư cho tiết dạy, tổ chức các hoạt động diễn ra trên lớp… Cụ thể, giáo án của giáo viên (GV) thể hiện rõ mục tiêu bài học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Kiến thức truyền đạt phải chính xác, khoa học (khoa học bộ môn, tư tưởng, quan điểm, lập trường chính trị). Đảm bảo tính hệ thống, đủ nội dung, làm rõ được nội dung trọng tâm của bài để học sinh (HS) hiểu và tiếp thu được. Vận dụng tốt đặc trưng bộ môn, biết vận dụng phương pháp dạy học mới, có ứng dụng CNTT và các phương pháp truyền thống sao cho phù hợp, không gượng ép. Hệ thống câu hỏi trong quá trình thực hiện các phương pháp giảng dạy trên lớp phải phù hợp với nội dung bài dạy, với các đối tượng HS khác nhau trong từng lớp học. Đó có thể là câu hỏi đóng, có thể là câu hỏi mở, câu hỏi phát hiện.
Các trang thiết bị và đồ dùng dạy học cần được GV chuẩn bị trước khi lên lớp, tương thích với nội dung bài dạy và tính toán xem sử dụng lúc nào, nội dung nào, mục nào trong giờ dạy nhằm đạt hiệu quả sử dụng cao nhất. Bên cạnh đó, đồ dùng học tập của HS cũng cần có sự chuẩn bị và sử dụng theo sự hướng dẫn của GV. Đây chính là công cụ hỗ trợ cho HS trong việc học tập, tiếp thu bài học mới. HS tích cực, chủ động, có kỹ năng làm việc nhóm, thảo luận nhóm để việc học tập mang lại kết quả tốt…
GV tạo ra không khí vui tươi, thoải mái trong lớp học, tạo sự hứng thú cho HS phấn khởi để tiếp thu bài. Cập nhật, lồng ghép thông tin mới một cách phù hợp vào bài dạy. Sử dụng tình huống, tạo tình huống có vấn đề trong tiết dạy để HS thảo luận tìm cách giải quyết. Ngoài ra, GV phải biết bao quát, quản lý lớp trong giờ dạy của mình. Phân phối thời gian hợp lý cho mỗi nội dung, cho từng hoạt động. Đặc biệt, GV đừng để bị áp lực về kiến thức trong tiết dạy. Nếu GV ôm đồm quá nhiều kiến thức thì sẽ bị quá tải, tiết dạy sẽ khó thành công. Trình bày bảng hợp lý, chữ viết bảng rõ ràng, hình vẽ trên bảng phải chính xác.
Tâm lý GV phải vững vàng khi đứng lớp. Ngôn phong ngắn gọn, dễ hiểu, trôi chảy, xúc cảm, rõ ràng. Tác phong sư phạm mẫu mực, có khiếu hài hước. Việc dạy học cần phải linh hoạt, biết kết hợp các kỹ năng: hỏi – đáp, diễn giải, viết bảng, quan sát, phân tích, tổng hợp… trong giờ dạy…
2. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để GV trong nhà trường có thể thực hiện được tiết dạy thành công, trong đó có thể nhắc đến nhiệm vụ tư vấn của nhà quản lý đối với GV trước và sau tiết dạy. Tư vấn là nêu được những nhận xét, gợi ý giúp cho GV thực hiện nhiệm vụ ngày một tốt hơn, thực hiện giờ dạy trên lớp ngày càng có hiệu quả hơn. Các ý kiến tư vấn của cán bộ quản lý giáo dục phải rõ ràng, cụ thể, khả thi giúp cho GV có thể nâng cao được chất lượng giờ dạy trên lớp. Cụ thể như GV phải yêu nghề, yêu thương, tôn trọng và cảm thông với HS. GV phải nắm được tâm sinh lý lứa tuổi HS để có sự ứng xử cho phù hợp, chủ động trước những tình huống nảy sinh trong tiết dạy. Nghiêm túc thực hiện quy chế chuyên môn. Giảng dạy đúng phân phối chương trình, phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng, làm rõ được kiến thức trọng tâm của bài học. Đổi mới phương pháp giảng dạy, có tinh thần cầu thị, học hỏi không ngừng (học hỏi ở đồng nghiệp trong và ngoài trường, học hỏi ở các cấp quản lý giáo dục, ở những kiến thức mới về khoa học giáo dục trên các phương tiện CNTT)…
Cán bộ quản lý phải tạo cảm giác an toàn cho GV trước, trong và sau khi tư vấn. GV soạn các bài tập, câu hỏi ở kiến thức đã học, kiến thức bài học mới, vận dụng kiến thức đã học vào bài học mới, khắc sâu kiến thức trọng tâm. Bài tập và hệ thống câu hỏi phải phù hợp với các đối tượng HS khác nhau. Thay đổi, điều chỉnh các hình thức tổ chức hoạt động học tập cho HS để tạo sự phong phú, đa dạng và hiệu quả. Ngoài ra, cán bộ quản lý giáo dục cần trao đổi với GV về việc soạn bài, thực trạng của bài soạn cho tiết dạy: Kiến thức cơ bản, kiến thức trọng tâm; logic khoa học; phương pháp giảng dạy; hình thức tổ chức dạy; những thiết bị dạy học cần chuẩn bị. Trao đổi với GV về thực trạng của bài soạn và việc soạn bài giảng của họ (bài được soạn phải phù hợp với nội dung từng bài học, đúng yêu cầu của chương trình quy định, phù hợp với đối tượng HS và điều kiện thực tế của nhà trường). Người tư vấn phải giúp đỡ GV tham khảo những bài soạn tốt, những cách soạn bài hay, có nhiều ưu điểm của các giáo viên trong tổ chuyên môn, trong trường và ở các trường bạn để họ xem xét, tiếp thu và vận dụng cho phù hợp và có hiệu quả ở lớp mình dạy.
3. Để có được tiết dạy thành công cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của công tác tư vấn mà cán bộ quản lý các cấp, nhất là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn đối với GV trong trường học. Người tư vấn là những người có uy tín, năng lực cao về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và tư vấn. Nhờ đó, họ có thể đưa ra những lời tư vấn cụ thể, rõ ràng, khả thi, giúp GV thấy được những ưu và khuyết điểm của mình trong giờ dạy trên lớp, phát huy những mặt làm được, khắc phục những chỗ chưa làm được, khắc phục những tồn tại và bất cập của giờ dạy để những tiết dạy sau có được hiệu quả cao hơn, thành công hơn.
ThS. Lê Bá Lộc
(Giảng viên Khoa Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM)
Bình luận (0)