Nhiều năm qua, sau khi các trường thông báo kết quả kỳ thi tuyển vào ĐH là tôi lại nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn của phụ huynh và học sinh. Chị Hồng Hoa ở Q.Bình Thạnh trong cảnh đơn thân, thất vọng về đứa con duy nhất thi năm thứ ba vẫn rớt. Giờ mẹ con chị suốt ngày nhìn nhau trong nước mắt ngậm ngùi, không thiết làm gì, không dám gặp ai. Anh Khương Duy ở Q.Thủ Đức bực với con trai thi hỏng đến mức không thèm nhìn mặt khi con cố tình thi khối C chứ không thi khối A để vào ĐH Ngân hàng, ngành mà anh đang có địa vị. Em Quốc Trung ở Hà Nội thất vọng tâm sự: “Trong suốt 12 năm học, em đã luôn nỗ lực hết mình. Mọi kì thi, em đều làm bài tốt. Em chắc rằng sẽ đậu trường ĐH mình mơ ước. Nhưng sau khi trường công bố điểm, em thật sự hẫng hụt. Em không biết mình phải làm gì”.
Để giải tỏa, giúp con em vượt cú sốc trên, phụ huynh nên làm ngay những việc sau: Thứ nhất, hãy thay đổi thái độ, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức. Đã thi là có kẻ rớt người đậu. Hãy coi việc thi hỏng như một thước đo để con hiểu mình hơn, có bước đi mới sáng suốt, thực tế hơn. Từ xưa đến nay “nhờ” thi hỏng mà không ít người đã thành tài như Tú Xương, Edison… Đúng là “mất ngựa chưa chắc đã rủi”. Thứ hai, hơn bao giờ hết phụ huynh nên tìm cách gần gũi, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Đây là lúc các em rơi vào tâm lí khủng hoảng, chơi vơi bên bờ vực, nếu bố mẹ tỏ thái độ bực bội, quay lưng sẽ vô tình xô con mình xuống hố thất vọng cực đoan lúc nào không hay. Nhà tâm lý Euripides khẳng định: “Duy chỉ có ở gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số phận”. Nay tai ương lớn đã gặp, nếu gia đình không dang rộng vòng tay chắc khó ai có thể cứu giúp được con em mình. Thứ ba, khẩn trương giúp con em trấn an tâm lý bất thường, khôi phục niềm tin vào chính mình bằng cách động viên các em đi tham quan du lịch, thăm hỏi người thân trong gia đình dòng họ, gặp gỡ các tấm gương vượt khó, thành đạt từng rớt ĐH, tham gia các hoạt động thể thao, làm từ thiện…
Cùng với gia đình, để nỗi bức xúc thi rớt ĐH được giải tỏa, rất cần sự cộng hợp trách nhiệm từ nhiều phía. Toàn xã hội, người tuyển dụng cần có cái nhìn thoáng về bằng cấp. Học sinh khi chọn trường thi nên hiểu mình ở trình độ nào, năng lực, sở trường, điều kiện ra sao để không chọn nhầm hướng đi làm tổn thương danh dự, niềm tin và bao hệ lụy cho mình, gia đình và xã hội.
NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ
Bình luận (0)