Yếu tố quyết định đến sự thành, bại là tùy thuộc vào ý chí quyết tâm, nghị lực của mỗi người |
Là phụ huynh ai cũng mong muốn con em mình chăm ngoan học giỏi, thi cử đỗ đạt. Đặc biệt đối với học sinh lớp 12, việc thi đậu vào trường ĐH năm đầu tiên là mơ ước, khát vọng cháy bỏng.
Tuy nhiên, thực tế không phải sau khi tốt nghiệp THPT, em nào thi cũng trúng tuyển vào trường ĐH. Nhưng vì nhiều gia đình thấy con người khác đậu mà con mình hỏng nên đã trút gánh nặng tâm lý lên đầu con trẻ. Vốn dĩ, khi thi hỏng thí sinh đã buồn chán, mất niềm tin vào bản thân, hoang mang lo lắng, nhưng nhiều trường hợp các em lại phải gánh thêm nỗi sợ hãi đối với bố mẹ. Lẽ ra, bố mẹ phải kịp thời động viên, giúp đỡ các em vượt qua tâm lý nặng nề để chọn cho mình một hướng đi khác phù hợp hơn; song ngược lại không ít phụ huynh khi con mình thi hỏng chẳng những không gần gũi chia sẻ nỗi buồn với con mà còn la mắng, thậm chí đối xử lạnh nhạt làm cho các em càng chán nản, gây tâm lý căng thẳng, tâm trạng u uất… không ít trường hợp túng quẫn đành làm liều tự vẫn. Bởi vì đa số phụ huynh muốn chạy theo thành tích mà chưa hiểu khả năng học tập của con mình. Họ chưa sống với con mà chỉ ở cùng con thôi! Có người yêu cầu con phải đậu trường này, trường kia mà không hề quan tâm đến sức khỏe, tâm lý tình cảm và chia sẻ niềm vui nỗi buồn của con trong quá trình học tập.
Thiết nghĩ, đối với học sinh lớp 12, sau khi tốt nghiệp THPT nếu chưa đậu vào trường ĐH không phải là con đường cùng. Nếu thực sự có kiến thức, kỹ năng nhưng vì một lý do nào đó mà chưa đạt được nguyện vọng thì các em có thể ôn tập và thi lại vào các năm tiếp theo. Hay nộp hồ sơ vào một trường trung cấp, CĐ để học; rồi học liên thông lên CĐ, ĐH. Mặt khác, các em cũng có thể đi bằng một hướng khác. Chẳng hạn như tình nguyện nhập ngũ vào các đơn vị lực lượng vũ trang và nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi hết nghĩa vụ, nếu được ở lại phục vụ trong quân đội lâu dài thì tốt hoặc trở về tham gia trong các tổ chức: Chính quyền hay đoàn thể tại địa phương… Cũng có em đến một vùng quê mới xin đất làm trang trại trồng rừng, sản xuất, chăn nuôi. Tuy bước đầu có khó khăn nhưng nhờ có trình độ học vấn, chịu khó làm ăn nên kinh tế phát triển, thu nhập ngày càng cao. Họ không những có công ăn việc làm mà còn giúp được nhiều người có việc làm, ổn định cuộc sống; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo hiện nay.
Trong thực tế, nhiều người thi rớt ĐH nhưng họ rất thành đạt, thậm chí trở thành những doanh nhân nổi tiếng trong nước và các nước trong khu vực đều biết đến. Đó là nhờ có ý chí, nghị lực và ý tưởng kinh doanh đúng mà họ trở nên giàu có. Không ít người không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình mà còn phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.
Từ thực tiễn sinh động trong đời sống xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đậu ĐH, CĐ không phải là con đường duy nhất để thanh niên lập thân lập nghiệp mà còn nhiều con đường khác có khi lại thành công không kém. Điều quan trọng là bản thân mỗi người phải biết lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp với năng lực, điều kiện hoàn cảnh của bản thân và gia đình. Đã đến lúc, người lớn cần phải thay đổi nhận thức một cách thực tế hơn; không nên tạo áp lực học hành thi cử cho con cái trong khi năng lực thực sự của con mình là không thể. Không phải theo ước muốn chủ quan của người lớn thì con em sẽ đậu ĐH mà còn tùy vào năng lực học tập của từng học sinh. Là thanh niên nếu có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm nỗ lực phấn đấu thì dù làm việc gì nhất định cũng sẽ thành công. Ngược lại, nếu đậu ĐH nhưng không chịu học tập, rèn luyện; chỉ lo đua đòi ăn chơi… mà bỏ bê việc học hành dẫn đến bị đuổi học thì cuộc sống còn tệ hơn.
Điều đó khẳng định ĐH không phải con đường duy nhất để thành đạt, giàu có. Đậu ĐH chỉ là bước khởi đầu và đó chỉ là một lối đi trong nhiều hướng đi của cuộc đời mỗi con người. Xét cho cùng yếu tố quyết định tương lai của mỗi người thành hay bại là nhờ vào ý chí quyết tâm, nghị lực và niềm tin vào chính bản thân để vươn lên làm chủ hoàn cảnh, sống có ích hơn.
Nguyễn Khoa Thành
(Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, H.Phong Điền, Thừa Thiên – Huế)
Bình luận (0)