Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Diễn đàn “Giúp con vượt qua cú sốc rớt ĐH”: Có trăm nẻo đường sinh cơ lập nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện thi cử bao giờ chẳng thế, phải có kẻ rớt người đậu. Thi rớt ĐH là chuyện bình thường.

 

Thí sinh xem lại đề sau giờ thi ĐH. Ảnh: T.B

 

Có những thí sinh quanh năm chuyên tâm “nấu sử sôi kinh” nhưng đến khi thi vẫn trượt. Trong khi đó có những người học hành bình thường, không coi trọng vấn đề thi cử lắm thì lại đậu. Người ta thường nói “Học tài thi phận” là như vậy đó. Theo quan hệ nhân quả, hạnh phúc chỉ mỉm cười với ai học hành tử tế, biết “đổ mồ hôi sôi nước mắt” vì nó. Con đường học vấn không đến với những con người chơi bời lêu lổng, quanh năm không chí thú với chuyện đèn sách.
Tuy nhiên, không phải ai siêng năng học hành cũng thi đậu, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trường đăng ký thi lấy điểm cao hay thấp, ôn có đúng với trọng tâm của đề thi hay không, trạng thái tâm lí hôm đi thi thế nào… Ngoài ra còn phụ thuộc vào các yếu tố như áp lực gia đình, bạn bè và xã hội. Có những người năng lực bình thường nhưng chọn phải các trường lấy điểm cao như ĐH Y dược Hà Nội, ĐH Y dược TP.HCM hoặc Học viện Quân y, Học viện Bưu chính viễn thông… thì trượt là phải.
Cha mẹ phải biết tư vấn cho con cái biết lượng sức mình và phải hết sức tôn trọng sở thích của con chứ không nên bắt ép. Tôi có hai đứa con, một trai, một gái. Thằng anh thi 2 khối A, B đều đậu với số điểm khá cao (29 điểm). Còn em gái học yếu hơn nhưng vì hai vợ chồng đều đau yếu nên vợ tôi vẫn bắt cháu thi cả y và dược. Cháu bảo: “Trong nhà có anh Hai làm bác sĩ là được rồi, con thi cả hai trường cao có khi bị trượt, bạn bè cười”. Mùa thi ĐH năm ấy có hai thí sinh thi xong nhảy trên cầu Khò Rèn (Huế)  xuống sông tự tử. Con gái tôi xuống tàu, thất thểu về nhà trong tâm trạng lo âu. Trời mùa hè mà cháu nằm đắp chăn suốt nửa tháng trời, chẳng rời khỏi nhà nửa bước, cơm cháo gì cũng chẳng thèm ăn. May mà cháu cũng thi đậu cả hai khối, nay đang học ĐH Y dược Huế năm thứ tư.
Một bạn gái học cùng lớp với cháu – con của cô giáo dạy Anh văn ở trường THPT – học rất giỏi (từng được giải thưởng Vallet, kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm nào cũng có giải) bị ba mẹ bắt thi khối D nhưng cả 3 môn chỉ được 8 điểm. Xấu hổ quá em bỏ vào TP.HCM cắt đứt liên lạc với bạn bè, chờ năm sau thi lại. Rõ ràng sự áp đặt cho con cái trong việc chọn trường thi đưa đến hậu quả tai hại.
Học ĐH không phải là con đường duy nhất để tiến thân. Hiện nay có rất nhiều sinh viên chạy theo bằng cấp nhưng ra nghề không có nơi nào nhận. Trái lại có những người chỉ học trung cấp, CĐ hay chỉ làm công nhân bình thường thôi nhưng vẫn có việc làm ổn định, thu nhập rất cao. Thậm chí có người chẳng qua một trường lớp chuyên nghiệp nào, họ chỉ học qua các lớp đào tạo nghề hay chỉ học ở trường đời mà trở thành các nhà doanh nghiệp nổi tiếng. Tôi có một người bạn, cả hai vợ chồng là giáo viên nhưng 4 đứa con không đứa nào học ĐH, vậy mà nay làm việc tháng nào cũng gửi tiền về nhà nhờ bố mẹ gửi tiết kiệm.
Việc sinh cơ lập nghiệp có trăm nẻo đường đi. Không nhất thiết phải đỗ ĐH mới bằng bạn bằng bè. Cha mẹ có con thi trượt ĐH không nên quá cay cú, phải biết nhẹ nhàng động viên, an ủi con: “Thua keo này ta bày keo khác, không đỗ năm nay thì ta thi lại năm sau”, hoặc hướng cho con thi trường khác hay đi học nghề. Trong xã hội không có nghề gì thấp kém, miễn là biết lao động chân chính để nuôi sống bản thân mình và đóng góp xây dựng xã hội.
Là một giáo viên và cũng là một phụ huynh, quan điểm tôi là vậy. Bạn có tán thành không?
Hoàng Minh Đức (Quảng Bình)
 
Đừng nản lòng
Với học lực tương đối tốt, tôi tự tin chọn một trường ĐH thuộc tốp giữa ở TP.HCM để dự thi. Kỳ thi kết thúc, tôi nghĩ ít nhất mình cũng đạt 17-18 điểm, số điểm cao hơn điểm sàn các năm của trường. Vì vậy khi bố mẹ hỏi: Con làm bài thế nào?, tôi liền nói: “Con làm bài khá tốt”. Bố mẹ tôi cười tươi, hy vọng rất lớn. Thế nhưng, khi có kết quả, tôi bất ngờ vì chỉ được 14 điểm trong khi ngành mà tôi thi vào Trường ĐH Văn hóa lấy điểm chuẩn là 16. Không chuẩn bị tâm lý trước, tôi quá bất ngờ và thất vọng về mình. Mọi thứ quanh tôi như sụp đổ, tôi nằm một mình trong phòng và khóc mặc những lời an ủi của bố mẹ và anh chị. Khóc chán, tôi lại ngồi dậy “than thở” với cuốn nhật ký. Tôi mang nỗi buồn thi rớt ĐH suốt mấy tuần liền. Sau đó, tôi quyết định ôn thi lại vì nghĩ rằng nếu cố gắng hơn nữa, tôi sẽ đạt được mục đích. Nghĩ như vậy nhưng tôi vẫn đưa ra phương án 2 cho mình nếu rớt ĐH lần nữa để không bị choáng như thất bại lần này. Phương án 2 của tôi là học tiếp CĐ hoặc học nghề may vì vốn dĩ tôi cũng có năng khiếu về hội họa, thiết kế. Chính vì thế, khi bước vào phòng thi ĐH năm sau tôi tránh được cảm giác mất bình tĩnh vì đã nghĩ ra được nhiều con đường sau khi rớt ĐH. Kết quả là tôi đã thành công khi kết quả thi ĐH lần 2 là 19 điểm.
Nguyễn Thị Thủy (Cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)