Theo các chuyên gia tâm lý, khi đăng ký dự thi ĐH, thí sinh cần dựa vào năng lực của bản thân. Ảnh: D.B
|
Thời gian qua, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc cho diễn đàn “Giúp con vượt qua cú sốc rớt ĐH”. Để kết thúc diễn đàn này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ThS. tâm lý Nguyễn Hữu Long – giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM, Cố vấn chuyên môn Phòng Tham vấn học đường (Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM) – xung quanh vấn đề này.
Đứng trước một áp lực tâm lí, nếu không biết cách vượt qua thì con người ta dễ dàng gục ngã bởi nó là thứ không hiện hữu, không ai có thể dễ dàng trả lời được ta đang gặp phải vấn đề gì và phải làm gì? Tình trạng này có thể tăng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên chung quy lại chúng ta có thể khái quát thành một vài lí do cơ bản sau: Thứ nhất, xã hội và gia đình đã vô tình đặt nặng vấn đề “đậu – rớt” vào thành tích học tập, vào sự cố gắng và nỗ lực của các em từ đó dẫn đến hiện tượng các em cảm thấy “bị xem thường” khi không hoàn thành đúng “nguyện vọng” của người khác. Thứ hai, một số bạn trẻ khi đăng ký dự thi ít quan tâm đến khả năng thực sự của bản thân, chỉ chăm chăm quan tâm đến sở thích và ý chí quyết tâm của bản thân, điều này thực sự nguy hiểm khi chính các bạn đã đưa mình vào “thế bí”. Thứ ba, kĩ năng quản lý cảm xúc của các bạn trẻ này khá thấp vì nhiều lí do khác nhau, có thể là do cha mẹ, người lớn đã lo lắng, quan tâm và chăm sóc quá chu đáo khiến các bạn ít khi tự mình đưa ra các quyết định liên quan đến bản thân, hoặc là do cuộc sống ngày nay mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến các bạn trẻ ít có cơ hội sống chậm để định hướng cuộc đời…
PV: Tuy nhiên vẫn có rất nhiều thí sinh giữ được tâm lý bình tĩnh khi thi rớt, vậy những kỹ năng nào giúp các em làm được như vậy, thưa ông?
– Một cá nhân chỉ thực sự bình tĩnh để giải quyết vấn đề khi cá nhân đó có kỹ năng dự đoán và kĩ năng học cách chấp nhận. Khi tham gia vào một cuộc chơi, ai cũng muốn mình phải về đích và phải chiến thắng, vì thế nếu thất bại thì lại phụ thuộc rất lớn vào kĩ năng dự đoán vấn đề để đón nhận. Những thí sinh rơi vào bế tắc khi thi rớt là do các thí sinh đó đặt hi vọng quá cao về sự lựa chọn của mình và kĩ năng thích nghi còn thấp. Một số em bình tĩnh được vì đã biết cách lường trước thất bại của bản thân hoặc đã biết lựa chọn nhiều hướng đi cho tương lai của mình. Bên cạnh đó, các em đó đã xác định được cái mình cần làm, cái mình có thể làm, cái mình muốn thử thách… bằng việc tự đánh giá năng lực của bản thân để chọn lựa giải pháp hiệu quả trong việc chọn lựa trường thi, ngành thi phù hợp với khả năng học tập. Ngoài ra, chúng ta không thể phủ nhận sự góp sức từ phía những gia đình có các ông bố, bà mẹ hết sức hiểu con để kịp đồng hành cùng con trong những lần con vấp ngã, và cú ngã đầu đời – thi rớt ĐH là cú ngã cần lắm sự cảm thông, chia sẻ của ba mẹ để các em tự tin hơn trong định hướng cuộc đời sau khi thi rớt.
Ông có thể chia sẻ một số biện pháp để tự bản thân thí sinh vượt qua những cú sốc này?
– Trước hết các em hãy thật sự thư giãn, thoải mái sau mỗi mùa thi. Đừng quan trọng hóa hay đặt kì vọng quá cao vào kết quả bằng điểm số hoặc việc đậu – rớt mà cái chính là hãy xem đó là một trận thử thách của cuộc sống. Tiếp theo là các em hãy chuẩn bị và suy nghĩ trong tưởng tượng xem nếu mình thi rớt thì sẽ làm gì? Thử đưa ra 2-3 công việc cần làm nếu kết quả không như mình mong muốn để khi có kết quả các em không quá bế tắc về con đường tương lai của bản thân. Hãy suy nghĩ về những người thân bên cạnh mình và tưởng tượng xem họ sẽ sống thế nào nếu thiếu mình? Tìm đến những người mình tin nhất để tâm sự nhằm giải tỏa những căng thẳng không cần thiết hoặc thậm chí “lánh nạn” về một nơi nào đó mà bạn yêu thích cũng là một cách làm mang lại hiệu quả trong việc thay đổi tư duy.
Xin cảm ơn ông!
D.Bình (thực hiện)
Những thí sinh rơi vào bế tắc khi thi rớt là do các thí sinh đó đặt hi vọng quá cao về sự lựa chọn của mình và kĩ năng thích nghi còn thấp. |
Bình luận (0)