Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Diễn đàn “Nhà giá rẻ cho giáo viên: Khi nào có?”

Tạp Chí Giáo Dục

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt: Cần có sự ưu ái cho đội ngũ giáo viên khi mua nhà
LTS: Liên tục 3 số báo 721 (ra ngày 9-9), 722 (ra ngày 12-9) và 723 (ra ngày 14-9), Báo Giáo Dục TP.HCM đã khởi đăng loạt bài: “Nhà giá rẻ cho giáo viên: Khi nào có?”. Ngay sau đó, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Số báo này xin giới thiệu đến quý bạn đọc ý kiến của ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM.
Cách đây 5 năm, công đoàn ngành đã làm một cuộc thống kê về nhu cầu nhà ở của đội ngũ giáo viên (GV). Kết quả có trên 11 ngàn GV có gia đình nhưng chưa có nhà – một số thì ở chung nhà với bố mẹ, anh chị, số khác thì ở nhà trọ. Tuy nhiên, con số này đã lạc hậu, hiện nay có thể tăng lên 15 – 16 ngàn GV chưa có nhà ở. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều GV không có nhà ở là do lương của các thầy, cô không đủ sức để mua nhà, dù là nhà giá rẻ. Đây là một vấn đề mà ngành giáo dục rất bức xúc.
Để phần nào giúp các GV có được một chỗ ở an toàn, đảm bảo, bằng nội lực của mình trong những năm qua Công đoàn ngành giáo dục đã hỗ trợ xây dựng được khoảng 500 căn nhà cho các GV ở ngoại thành. Tất cả những GV được hỗ trợ xây nhà đều có đất, công đoàn ngành chỉ hỗ trợ 35 – 40% kinh phí xây dựng, tương đương 15 triệu đồng. Còn ở khu vực nội thành, công đoàn ngành từ cấp trường lên cấp quận, huyện rồi cấp thành phố đã xây dựng quỹ “Giúp bạn sửa nhà”. Theo đó những GV đang ở chung với ba mẹ, anh chị nếu có nhu cầu sửa nhà thì được hỗ trợ một phần kinh phí. Ngoài ra, gần 10 năm trước, Công đoàn ngành giáo dục đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Bình Chánh xây dựng chung cư Bình Hưng. Theo đó đã có 262 GV được mua nhà với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, tại một số quận, huyện khi xây dựng chung cư cũng đã ưu ái dành cho đối tượng GV một số căn hộ. Ở các huyện ngoại thành có nhiều đất cũng đã hỗ trợ bán đất giá rẻ, trả góp cho đội ngũ GV… Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực nói trên đều không thấm vào đâu so với nhu cầu bức thiết của đội ngũ thầy, cô giáo.
Đối với những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là đội ngũ GV trực tiếp đứng lớp thì nhà không chỉ là một nơi để ở mà còn là nơi để… nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta đều biết, thời gian GV làm việc ở nhà nhiều hơn ở trường. Ở nhà, GV chấm bài cho học sinh, soạn giáo án. Nếu có một ngôi nhà để ở, chắc chắn các thầy, các cô sẽ dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc soạn giáo án. Qua đó sẽ có những bài giảng hay, ấn tượng, dễ đi vào lòng học sinh. Rồi trong quá trình chấm bài cho học sinh, GV sẽ biết được những ưu nhược điểm của từng học sinh trong lớp. Nhờ đó mà giúp các em khắc phục cái nhược và phát huy cái ưu để ngày càng hoàn thiện…
Mặc dù thành phố đã khởi động chương trình nhà ở xã hội nhưng hiện nay mới chỉ ưu tiên cho đối tượng là công nhân, còn GV thì vẫn chưa được quan tâm nhiều. Do vậy, việc được sở hữu một căn nhà đối với các thầy, cô giáo vẫn còn rất khó khăn.
Theo tôi, muốn cho GV có một nơi ở an toàn, đảm bảo thì thành phố cần có quỹ nhà để cho các thầy, cô giáo thuê. Với mức lương khiêm tốn của nghề giáo thì giá thuê nhà nên từ 5 – 7 trăm ngàn đồng/tháng/căn. Trong trường hợp nhà bán thì nên bán trả góp trong thời gian dài, đặc biệt cần có chính sách bù lãi suất. Có như vậy GV mới đủ khả năng để trả.
“An cư rồi mới lạc nghiệp”, nếu đời sống của GV được cải thiện, không phải vừa dạy học vừa đi thuê nhà thì chất lượng giáo dục của thành phố sẽ còn phát triển hơn nhiều…
Kim Anh (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)