Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: vì sao?”: Sinh viên còn ngại… nói

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện nay, SV có một căn bệnh là sợ… giao tiếp ngoại ngữ. Trong khi ở các trường phổ thông, HS rất hào hứng với môn học này (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: N.Anh

Giao tiếp là một trong những phương tiện không thể thiếu trong quá trình học hỏi và nâng cao ngoại ngữ. Nhưng hiện nay vấn đề giao tiếp ngoại ngữ của sinh viên (SV) trong các trường ĐH, CĐ đang bị… ngủ quên.
1. Một thực tế thường thấy tại các trường ĐH, CĐ là SV rất ngại giao tiếp ngoại ngữ, kể cả trong giờ học môn này. Có chăng chỉ là giáo viên đặt câu hỏi để SV trả lời. Những câu giao tiếp mà SV dành cho nhau được xem là “của hiếm” trong lớp học. Họ thường hỏi nhau bằng tiếng Việt về nghĩa của một từ, của một câu thay vì có thể hỏi bằng một câu thuộc lòng như… cháo: What does it mean? Hay thậm chí là những câu hỏi thăm bình thường mà ngay cả đứa bé mới học tiếng Anh cũng có thể hỏi bạn mình: How are you? How do you go to school today? What do you have for breakfast?… Thành thử, giờ học ngoại ngữ mà chẳng khác gì giờ học các môn học tiếng Việt nếu không có những lời giảng của giáo viên.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó là do SV cho rằng mình không đủ vốn từ, không đủ trình độ để giao tiếp nên khi nói ra sợ bị sai hoặc sợ mọi người cười. Bởi thế, dù hiểu được những lời giáo viên, bạn bè nói nhưng nhiều SV vẫn kiên quyết im lặng theo kiểu… “im lặng là vàng”. Các giảng viên thấy SV tự ti, ít giao tiếp ngoại ngữ cũng đâm ra… ngại nói nhiều. Đúng ra, với trình độ của SV ở các trường ĐH, giảng viên dạy ngoại ngữ khi bước vào giảng đường phải nói ít nhất 80% ngôn ngữ của mình bằng ngoại ngữ. Nếu SV có thắc mắc về từ ngữ, bài học hay những câu chuyện gì thì bắt buộc phải hỏi lại bằng ngoại ngữ. Nhưng thực tế lại cho thấy, giảng viên chỉ sử dụng chưa tới 40% vốn ngoại ngữ họ đang dạy. Một giảng viên từng thú nhận: “Lúc đầu vào lớp, tôi cũng nói tiếng Anh, cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản để diễn đạt cho SV hiểu. Nhưng một vài buổi trôi qua mà những lời tôi nói chỉ được SV tiếp thu theo kiểu “nước đổ đầu vịt”, nhiều SV ngơ ngác không hiểu tôi đang nói gì. Cán bộ lớp lại lên phản ánh với khoa là giảng viên nói tiếng Anh nhiều quá, SV… không hiểu bài. Thành thử, tôi phải giảng bằng tiếng Việt là chủ yếu, phần có thể sử dụng tiếng Anh là những câu đối đáp bình thường và các câu hỏi có trong bài học”. Chính vì ngại giao tiếp nên đã dẫn đến tình trạng một số SV tuy làm bài thi trên giấy đạt điểm cao nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài thì “ú ớ”. Thậm chí, nhiều SV có điểm tổng kết môn tiếng Anh rất cao nhưng không qua được phần phỏng vấn do người Việt trực tiếp đảm nhận bằng tiếng nước ngoài tại các công ty, doanh nghiệp.
2. Một nguyên nhân nữa khiến cho phần giao tiếp của SV kém là do cách tổ chức đội ngũ giảng viên của các trường ĐH, CĐ. Hiện nay các trường ĐH, CĐ có giảng viên nước ngoài giảng dạy bộ môn ngoại ngữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không phủ nhận rằng, kiến thức ngoại ngữ phải do giảng viên Việt Nam đặt nền tảng, nhưng chính sự có mặt của các giảng viên người nước ngoài sẽ thu hút việc học ngoại ngữ của SV hơn. Tôi còn nhớ khi học năm ba ĐH, trường tôi thiếu giảng viên ngoại ngữ nên các lớp học tiếng Anh đều được sắp xếp vào buổi tối. Một lần, lớp học ngoại ngữ dành cho SV năm nhất có thầy giáo nước ngoài đứng lớp đã khiến nhiều bạn trong lớp tôi ngạc nhiên. Bởi, từ trước tới nay chưa có một giảng viên người nước ngoài trực tiếp giảng dạy tại trường, vị khách nước ngoài hôm đó có thể do giảng viên đứng lớp dẫn tới. Buổi học của lớp năm nhất chỉ đơn thuần là những lời hỏi thăm kiểu What is your name? How old are you? Where are you from? How many people in your family?… nhưng lại khiến không khí lớp học sôi nổi, hào hứng. Nhiều SV tỏ ra thích thú vì lần đầu tiên được giao tiếp với người nước ngoài, lại là những câu hỏi đơn giản nên họ trả lời khá tự tin. Có SV còn tỏ ra sáng tạo khi vận dụng những lối nói chuyện hóm hỉnh, những câu phản biện ngược lại với “ông thầy Tây”. Đôi khi, những buổi học với người nước ngoài chỉ là học nói, chơi trò chơi tìm vần, ghép chữ…
SV ngại giao tiếp vì sợ, còn giảng viên thì ngại nói… nhiều là thực trạng thường thấy tại các lớp ngoại ngữ của các trường ĐH, CĐ hiện nay. Điều này đã khiến cho nhiều SV “thèm” được giao tiếp phải “chạy” vào các trung tâm ngoại ngữ hoặc tìm đến các câu lạc bộ ngoại ngữ, thậm chí đến những nơi có người nước ngoài để học “lỏm”.
Tường Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)