Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”

Tạp Chí Giáo Dục

Quan trọng là đội ngũ sư phạm và cơ sở vật chất(*)

Yếu tố tạo thành trường CLC trước hết là xây dựng được đội ngũ sư phạm giỏi chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại. Trong ảnh là Trường TH Thái Mỹ (Củ Chi) được xây dựng khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng trường CLC.  Ảnh: Quang Huy

TP.HCM đã có lộ trình xây dựng trường lớp quy củ từ quy hoạch mạng lưới được phê duyệt theo Quyết định 02/2003/QĐ-UB của Chủ tịch UBND TP năm 2003: từng quận huyện đã có bản đồ dành đất xây dựng trường học năm 2008; tỷ lệ đầu tư xây dựng trường học được xác định là 20% ngân sách xây dựng cơ bản và phân cấp nhiệm vụ xây dựng trường học về quận huyện.
Hàng năm số lượng phòng học mới được đưa vào sử dụng cả ngàn phòng, đảm bảo chỗ học đạt chuẩn cho mọi con em nhân dân. Đạt chuẩn phổ cập tiểu học năm 1995, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2002, phổ cập bậc trung học theo chuẩn thành phố năm 2008. Nhưng so với yêu cầu hội nhập quốc tế, nhà trường tại TP.HCM còn nhiều bất cập, phải tích cực phấn đấu để khắc phục.
1. Lộ trình chọn lựa để phát triển, khắc phục là phải dựa vào quy hoạch mạng lưới trường học, tích cực xây dựng những trường chất lượng cao (CLC) bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trường CLC không phải là một loại hình trường tự nó tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục quốc dân, không chăm lo cho con em gia đình lao động nghèo mà trường CLC là một nhân tố quan trọng đi đầu, vượt khó tạo điều kiện để Nhà nước điều tiết ngân sách đến vùng khó khăn, xây dựng quỹ học bổng chăm lo cho học sinh nghèo và đặc biệt là mở đường, hội nhập quốc tế, phục vụ cho một bộ phận dân cư có nhu cầu trước mắt, tạo tiền đề nhân rộng trong thời gian tiếp theo khi xã hội có điều kiện, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.
Những trường gọi là trường CLC hiện nay tại TP.HCM là: Trường CLC theo tinh thần Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ là nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục cao, không phải là nhà trường chỉ đơn thuần chọn học sinh đầu vào cao và nâng cao cường độ lao động của thầy và trò để nâng cao chất lượng. Dịch vụ giáo dục cao thể hiện ở thiết chế nhà trường về sĩ số ít trong lớp; tăng thời lượng học tập của học sinh trong trường để học sinh có điều kiện hoạt động, thấm nhuần và rèn luyện nhân cách, đảm bảo được 6 bậc thang tri thức trong quá trình học tập; và về phương thức đầu tư, hiệu quả giáo dục của tập thể sư phạm. Trường phổ thông chuyên là trường dạy những học sinh có năng khiếu với chức năng bồi dưỡng nhân tài.
Trường chuyên khác với trường CLC vì không phải là loại hình trường phổ biến, Nhà nước phải đầu tư đầy đủ để bồi dưỡng nhân tài, thậm chí còn phải có học bổng cho học sinh. Còn trường CLC thời hội nhập là trường phổ thông thường, có sự góp phần đầu tư của phụ huynh để nâng cao chất lượng dịch vụ cho con em và sẽ nhân rộng khi nền kinh tế xã hội và đời sống dân cư phát triển. Trường đạt chuẩn quốc gia là một loại hình trường chất lượng chuẩn do Bộ GD-ĐT phát động xây dựng để nhân rộng trong toàn ngành, đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Vì là trường chuẩn để mở rộng nên có tính chất như trường CLC, chỉ khác ở phần tiêu chí thiết chế nhà trường chưa cao và chưa đề cập đến phần đóng góp của phụ huynh… Về mặt tổ chức, nhà trường thực hiện đầy đủ theo chuẩn thiết chế của nhà trường CLC về sĩ số lớp ít, học tập và hoạt động cả ngày…
2. Hiện nay, xu thế các trường quốc tế đang phát triển, có sức thu hút mạnh mẽ đối với một bộ phận dân cư có điều kiện kinh tế. Tuy vậy, số trường quốc tế đúng nghĩa chưa nhiều, vẫn còn có trường quảng cáo “quốc tế” ở khía cạnh danh nghĩa hoặc sao chép hình thức phương pháp dạy và học của các trường quốc tế, không đầu tư bài bản và chuyên nghiệp cho chất lượng chuyên môn, nhất là yêu cầu “mang đậm bản sắc dân tộc” cho học sinh. Điểm qua các loại hình trường để chúng ta nhận diện đầy đủ các loại hình nhà trường được gọi là “CLC” hiện có trong hệ thống giáo dục quốc dân, thống nhất xây dựng một mô hình nhà trường phù hợp, có khả năng phát huy được đầy đủ ưu điểm của các loại hình nhà trường vừa nêu, đồng thời cập nhật được yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra rất cấp bách hiện nay đó là về yêu cầu hội nhập quốc tế và mang đậm bản sắc dân tộc.
Theo quan niệm thông thường của xã hội ngày nay, trường CLC là ngôi trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao, là trường có danh tiếng thu hút được nhiều học sinh giỏi đăng ký theo học, từ đó chất lượng đầu vào rất cao. Yếu tố cấu tạo thành trường CLC ở đây trước hết là công tác quản lý, xây dựng đội ngũ sư phạm, xây dựng cơ sở vật chất và quan trọng nhất là tuyển sinh đầu vào cao. Nhược điểm dễ xảy ra ở đây là sĩ số trong lớp đông, sự đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên theo quan điểm dạy học cá thể, chăm sóc phát huy năng khiếu của từng học sinh và việc thực hiện mục tiêu dạy người, giáo dục toàn diện của nhà trường có khó khăn.n
Nguyễn Thị Hiền
(Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Q.5)
* Tựa do tòa soạn đặt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)