Tục ngữ có câu: “Dao năng mài năng sắc, người năng chào năng quen”, vì thế, việc thao giảng, dự giờ, góp ý chuyên môn sau tiết dạy là một việc làm đúng. Từ đó, người dạy biết được điểm mạnh để phát huy cũng như mặt hạn chế của mình để khắc phục. Người dự giờ vừa học tập được cái hay để vận dụng cũng như “học” được cái dở của đồng nghiệp để tránh va vấp trong giảng dạy.
Nhưng từ khi “bệnh thành tích” tấn công mạnh mẽ thì việc thao giảng, dự giờ cũng như việc góp ý trở thành chuyện “diễn kịch” trong nhà trường. Muốn thao giảng “tốt như mong muốn” thì phải dặn dò trước bài vở cho học sinh. Thậm chí những học sinh yếu “được quan tâm” là tạm nghỉ giờ đó, qua tạm lớp khác ngồi chờ thầy cô thao giảng xong. Ngày thường khi chuông reo thì vẫn còn tụm năm tụm ba, đủng đa đủng đỉnh vào lớp; còn bữa có giờ thao giảng thì khi nghe chuông “beng beng” là giáo viên đã có mặt trong lớp tức thời. Diễn tài đến thế là cùng!
Trong quá trình dạy, những học sinh được “gà bài” thì luôn đưa tay phát biểu. Trả lời câu nào là trúng phóc câu đó! Trò chơi ô chữ cũng luôn được các em “giải mã” một cách thần tình (kể cả những nhóm từ bí hiểm nhất). Tài thật!
Người dự thì cứ mong cho hết giờ “diễn” vì thực chất không phải như vậy! Nhưng ai cũng chẳng nói với ai làm gì! Thôi thì đồng nghiệp cả, hôm sau đến lượt mình thì… huề cả làng vậy thôi.
Đến khâu góp ý sau giờ dạy thao giảng thì việc “diễn” được đẩy lên cao trào. Hầu như người dạy chẳng mắc khuyết điểm gì cả, nếu có thì cũng một vài sai sót nhỏ như khi học sinh phát biểu xong, cần “cảm ơn” để khích lệ các em. Rồi làm như thể mọi người đã bàn bạc từ trước, ai cũng cho rằng “bài dạy cung cấp được kiến thức cơ bản; kiến thức chính xác; vận dụng tốt các phương pháp để phát huy trí lực học sinh và học sinh vận dụng được kiến thức…”. Bằng chứng là số lượng học sinh phát biểu, là giải ô chữ… Cứ thế mọi người năm này qua năm khác đều “ru nhau ngủ”; đưa nhau vào giấc mộng thành tích một cách ngon lành… Hậu quả là người dạy không “mài sắc” được kiến thức vì luôn được góp ý những “điều tốt”. Chẳng ai dại gì làm mất lòng nhau; góp ý những hạn chế của đồng nghiệp mình! Vì cùng chung tổ chuyên môn, chung trường – nếu góp ý thẳng băng thì họp xong không muốn nhìn mặt nhau nữa! Những chuyện hờn giận nhau, không nhìn mặt nhau xảy ra không phải là hiếm trong nhà trường.
Nói thật tình là nhiều người dù không muốn “diễn” cũng phải gồng-mình-diễn cho tròn vai trên bục giảng. Cơ chế và căn bệnh thành tích thâm căn cố đế nó đã sản sinh ra những “vai diễn” như vậy!
Hồng Lam Sơn (Sóc Trăng)
Bình luận (0)