Thị trường xe máy luôn “nóng” hơn bao giờ hết vào thời điểm cuối năm. Lại thêm cái chuyện nghe phong thanh rằng sẽ giảm tải các phương tiện cá nhân thế nên mọi người dân đổ xô đi mua xe máy. Được đà, các đại lý, cửa hàng bán xe máy đẩy giá khiến cho dòng xe có nhu cầu cao luôn rơi vào tình trạng “khan” hàng. Giá xe máy thời điểm này cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ mà các hãng xe đặt ra. Sự “điên loạn” của giá xe máy khiến người tiêu dùng luôn rơi vào thế bị động.
Loạn giá xe máy sản xuất trong nước
Ở Việt Nam, hai hãng xe được ưa dùng nhất là Yamaha và Honda bởi có giá cả cạnh tranh, tính tiện dụng phù hợp với đa phần người dân Việt Nam. Còn nhớ, cách đây không lâu, giá xe Air Blade của Honda, Exciter từng làm mưa làm gió trên thị trường, người tiêu dùng quay cuồng trong sự tăng giá đến chóng mặt của hai dòng xe này. Thế nhưng, câu chuyện giá xe chưa kịp lắng xuống thì Honda Vision, một dòng xe ga mới xuất hiện trên thị trường khoảng hơn 1 tháng nay cũng lặp lại “điệp khúc” đó. Ngay từ khi mới ra mắt với giá đề xuất của hãng chỉ 28.500.000 đồng đối với Honda Vision và 33.900.000 đồng đối với Nozza (riêng với dòng xe Nozza, Yamaha còn ưu đãi cho các đại lý tới 2 triệu đồng/xe tức là mức giá thực mà hãng đưa ra là 31.900.000), nhiều người đã nghĩ ngay đến việc “điệp khúc loạn giá” sẽ lại bắt đầu.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số đại lý của hai hãng xe trên tại Lê Văn Lương, Xã Đàn, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Khâm Thiên, Bà Triệu, Phố Huế… (Hà Nội), không một nơi nào bán với mức giá đề xuất. Nhiều người chỉ mong, giá bán gần tiệm cận với giá đề xuất của hãng nhưng điều đó cũng khó thành hiện thực. Chưa kể có nơi chênh tới 4,5 triệu đồng mỗi chiếc. Tại một số cửa hàng, không hiểu vì lí do gì, hầu như không có cả xe trưng bày cho mẫu mới.
Mẫu xe càng được nhiều người ưa chuộng thì giá càng bị đẩy lên cao. Chẳng ai có thể kiểm chứng tại sao dòng xe này “hot”, dòng xe kia lại không nhưng các đại lý thì chỉ việc đẩy giá bán cáo hơn. Có đại lý còn khẳng định, bán với giá như vậy thì đại lý mới có lãi. Tuy nhiên, ai cũng hiểu một chân lý, khi đưa ra giá bán lẻ đề xuất thì các hãng xe đã tính toán kỹ lưỡng cũng như tạo các điều kiện nhất định để đại lý của hãng đã có lãi khi bán xe. Như vậy có thể khẳng định, chuyện loạn giá xe không chỉ là vấn đề giữa các đại lý và người tiêu dùng.
Xe nhập khẩu cũng bị làm giá
Khi nhắc đến xe máy nhập khẩu, người tiêu dùng luôn nghĩ đến những chiếc xe máy cao cấp được sản xuất tại những nước phát triển với công nghệ tiên tiến hàng đầu. Honda SHi được nhập khẩu từ Italia, có giá bán dao động trong khoảng từ 7.500 USD đến 8.500 USD. Cá biệt, có trường hợp giá của ngày hôm trước và hôm sau chênh nhau khá lớn. Ngày hôm trước giá xe SHi màu trắng còn 7.700 USD, nhưng chỉ cần chậm chân 1 – 2 ngày, khi quay lại mua xe, giá đã được “đội” lên đến 8.200 USD. Xe Liberty nhập khẩu hiện nay được nhiều cửa hàng đưa ra mức giá 120 triệu đồng. Mức giá ban đầu của xe Liberty nhập khẩu chỉ khoảng 86 triệu đồng.
Theo lý giải của những cửa hàng chuyên nhập khẩu xe máy nguyên chiếc, có tình trạng trên bởi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi liên tục. Có khi hôm trước còn nhiều hàng nhưng khách mua hết thì những chiếc còn lại thành hàng hiếm, khó kiếm do nguồn cung xe về cũng không hề đơn giản. Chính vì thế việc làm giá luôn được các cửa hàng ngầm thỏa thuận với nhau. Chỉ cần nhận thấy nhu cầu dòng xe nào cao, nhiều khách mua, ngay lập tức giá của dòng xe đó được “đôn” lên chóng mặt. Khi sức mua của thị trường giảm xuống, giá xe cũng theo đó mà giảm theo, nhưng chậm hơn nhiều so với khi tăng giá.
Những dòng xe khác như Honda PSi, Piaggio LX; Piaggio Liberty, Piaggio GT… mỗi khi xuất hiện, các dòng xe này luôn tạo nên một cơn sốt nhất định. Nhưng theo thời gian, có những mẫu xe tiếp tục được ưa chuộng thì giá bán ra vẫn cao vì luôn có khách yêu cầu. Còn đối với những dòng xe đã qua cơn sốt giá xe sẽ rớt thê thảm. Thậm chí là không còn được nhập khẩu về Việt Nam nữa.
Xe càng cũ càng có giá
Xe máy mới bị các đại lý làm giá, còn xe máy cũ thì chính những người tiêu dùng làm giá lẫn nhau. Giá xe cũ được tính dựa trên giá xe mới, sau đó trừ đi những khấu hao khi sử dụng. Lại cũng chẳng đâu như ở Việt Nam, xe máy đi được 5-7 năm mà khi bán vẫn có lãi, nếu không thì cũng phải hòa tiền. Có một thực tế được nhiều người công nhận, xe máy Nhật luôn luôn được xếp đầu bảng về độ bền cũng như tiêu thụ ít nhiên liệu.
Trước đây khi mua xe, ít ai có thể ngờ dòng xe nhỏ nhắn, chở được ít người, là đời xe ga cũ, chưa có nhiều cải tiến như Spacy lại có ngày bán ra lãi đến như thế. Xe Spacy Nhật hiện nay được các cửa hàng báo giá vào khoảng 17.000 USD (tương đương 350 triệu đồng) một chiếc xe mới và hơn 12.000 USD (250 triệu đồng) cho một chiếc xe cũ. Theo giới buôn xe, Spacy Nhật giờ là hàng quý, hàng hiếm nên nếu khách cần mua phải ưng giá trước, cửa hàng mới đánh xe về, hầu hết các cửa hàng đều không bày hàng mẫu như các loại xe thông thường khác. Khi mới xuất hiện trên thị trường, loại xe này được bán với giá trên dưới 5.000 USD, rẻ hơn xe SHi sản xuất tại Italy khoảng 1.500-2.000 USD. Nhưng đến nay, dòng SHi vẫn tiếp tục sản xuất, giá xe mới chỉ hơn 170 triệu. Còn Spacy, do ngừng sản xuất từ năm 2006, giá đội lên từ 250 triệu đến 350 triệu đồng, gấp 2-3 lần ban đầu. Bản thân những người đang sở hữu loại xe này cũng từ chối cả trăm triệu đồng để giữ lại chúng. Được trả tới giá 8.500 USD (170 triệu đồng) cho chiếc Spacy Nhật, mua đã 7 năm nay, xe đã chạy tới hơn 7 vạn km, nhưng anh Quyết (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn lắc đầu từ chối cái giá của người đến hỏi mua. Anh lý giải: “Với từng đó tiền, tôi thừa sức mua được chiếc xe ôtô đã qua sử dụng như Matiz, Kia Morning. Nhưng để sở hữu một chiếc xe có độ bền thì giá đó khó mà tìm đâu ra”.
Anh Nguyễn Văn Huy, thợ sửa chữa xe máy lâu năm trên phố Phủ Doãn cho biết: “Nhiều chiếc xe được liệt vào hàng hiếm, hàng độc, có độ bền cao luôn được giá. Và khi giá xe mới còn bị “thổi” thì xe cũ cũng sẽ theo đó mà biến động. Như chiếc xe Honda Wave Alpha đời đầu được sản xuất từ năm 2001, ngày đó giá xe mới chỉ rơi vào khoảng 9-10 triệu đồng. Nhưng sau một thời gian sử dụng lên đến 10 năm, chủ của chiếc xe đó đi “mông má”, và rao bán với giá khoảng 12 triệu đồng?!”. Và chỉ cần có thế, những cửa hàng buôn bán xe cứ vin vào cái mác “xe độc” và thổi, giá xe lại được thể bay lên tận mây xanh.
Nguyên nhân từ thị hiếu
Nếu đánh giá về mẫu mã, hiệu năng sử dụng, Spacy vẫn còn thua nhiều loại xe khác, nhưng người tiêu dùng tin dùng dòng xe này với chỉ một chữ “bền”. Cứ mỗi một dòng xe đang được đưa chuộng mà ngừng sản xuất, dòng xe đó sẽ nhanh chóng tăng giá, người này bảo người kia xe này tốt, xe kia bền, ngay lập tức giá xe sẽ nhanh chóng bị đẩy lên. Khi bị chất vấn về việc loạn giá xe, các nhà sản xuất đều đưa ra cùng một câu trả lời: Giá xe là theo quy luật cung cầu. Quả đúng như vậy, cứ theo thị hiếu, theo nhu cầu của người mua thì người bán sẽ làm giá xe.
Luật sư Hoàng Văn Dũng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Quan hệ giữa các đại lý và nhà sản xuất là quan hệ giữa những đối tác kinh doanh độc lập. Quy mô doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thì trước pháp luật mọi doanh nghiệp đều bình đẳng. Nhà sản xuất bán sản phẩm cho đại lý thì sản phẩm đó đã trở thành tài sản của các đại lý chứ không còn là của nhà sản xuất nữa. Do đó những nhà sản xuất không có quyền quyết định giá với tài sản của các đại lý vì tất cả các đại lý đều là những công ty độc lập với nhà sản xuất. Nhà sản xuất không có quyền hợp pháp để bắt buộc đại lý phải bán theo đúng giá đề xuất của công ty. Nếu làm như vậy, nhà sản xuất sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam cũng như tập quán chung quốc tế. Việc định giá bán của các đại lý được xác định theo quy luật cung cầu.
Người mua cứ thấy thị trường sốt dòng xe nào là chạy theo, quyết mua bằng được. Với tâm lý như vậy, các đại lý luôn nắm bắt nhanh chóng để tăng giá theo thị trường, càng nhiều người mua thì giá bán càng đắt. Khi ít người quan tâm, giá xe sẽ giảm. Mẫu xe PCX chính là ví dụ điển hình cho việc này. Xe máy tay ga PCX được Honda Việt Nam tung ra thị trường trung tuần tháng 9-2010 và chỉ sau khoảng 3 ngày đầu tiên bán đúng giá 50 triệu đồng, các đại lý Honda đã đua nhau đẩy giá xe lần lượt lên 55, rồi 60 và cao điểm lên tới 65-68 triệu đồng. Chỉ vài tháng sau, cùng với sự ra xuất hiện của dòng xe Piaggio Liberty sản xuất trong nước và tâm lý ham đồ mới giảm xuống, giá xe PCX giảm xuống dừng ở mức 52-53 triệu đồng.
Người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi, bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá cao hơn giá trị thực của nó, chẳng khác nào bị lừa đảo! Người tiêu dùng bị thiệt một phần do lỗi của chính họ, đã nôn nóng mua hàng cho bằng được tại thời điểm “nóng” nhất. Còn người được hưởng lợi từ sự loạn giá này chính là các cơ sở kinh doanh xe máy. Nhà nước sẽ mất nguồn thu không nhỏ từ thuế. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường giá xe máy. Cần phải khảo sát giá thực trên thị trường và có biện pháp ấn định giá tính thuế để tránh những vi phạm về giá và góp phần bình ổn giá xe máy trên thị trường.
Bảo Nam/ ANTĐ
Bình luận (0)