Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Diện mạo giao thông TP.HCM: Kỳ 2: Thế mạnh của giao thông thủy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TP.HCM dự kiến đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực vào năm 2020
Là nơi có nhiều kênh rạch và sông với lợi thế tiếp biển, TP.HCM trở thành đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam nói chung và của thành phố nói riêng. Hiện tại, hệ thống cảng biển và đường thủy nội địa của thành phố ngày càng khẳng định vị thế trong việc góp phần thúc đẩy thế mạnh về phát triển du lịch nội địa, xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy xuất nhập khẩu
Nhờ điều kiện tự nhiên thiên phú, nên ngành vận tải đường thủy ở TP.HCM chiếm một tỷ lệ quan trọng. Cụ thể, vận tải đường biển chiếm khoảng 29% và đường sông khoảng chiếm 20% tổng khối lượng vận tải hàng hóa thông qua đầu mối thành phố.
Cho đến nay, cụm cảng TP.HCM gồm có 38 cảng với chiều dài gần 13km đang khai thác, trong đó có một số cảng đảm trách phần lớn thị phần vận tải biển của cả nước như cảng Sài Gòn, Tân Cảng – Cát Lái, cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)… 
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân khẳng định trong những năm qua, lượng hàng hóa qua cảng biển của thành phố luôn đạt chỉ tiêu đề ra, riêng năm 2014 tăng vượt bậc. Cụ thể trong năm này tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 109 triệu tấn, tăng 28 triệu tấn so với năm 2013. Điều đáng mừng là con số trên còn vượt kế hoạch 100 triệu tấn mà thành phố đề ra vào năm 2015. Có được kết quả này, là do chính quyền thành phố đã mạnh dạn đầu tư và đưa vào sử dụng hợp lý nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Tân Cảng – Hiệp Phước, Dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2.
Thực tế cho thấy, quá trình phát triển xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, phải kể đến vai trò quan trọng của một số cảng biển lớn như cảng SPCT là một trong những cảng tiếp nhận xe hơi lớn nhất Việt Nam, cảng Cát Lái (quận 2) nằm trong top 34 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới, cảng Sài Gòn có sản lượng và năng suất xếp dỡ hàng đầu của quốc gia phục vụ cho lĩnh vực rộng lớn gồm các khu vực TP.HCM, các vùng lân cận và đồng bằng sông Mê Kông…
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, Chính phủ khẳng định cảng TP.HCM thuộc nhóm số 5 (Đông Nam bộ) là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại 1), gồm các khu bến chức năng chính là Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) và Cát Lái (trên sông Đồng Nai). Ước tính trong giai đoạn 2015-2030, lượng hàng qua cảng biển nhóm 5 đạt 185-200 triệu tấn/năm vào năm 2015, 265-305 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 495-650 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Phát triển du lịch và vận tải hành khách công cộng
TP.HCM hiện có 112 tuyến sông, kênh rạch với tổng chiều dài gần 1.000km và mạng lưới sông rạch vươn đến gần như toàn bộ các khu vực của thành phố. Với địa hình đặc biệt này cho thấy thành phố có rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch và vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đường thủy.
Theo tình hình hiện nay, mặc dù bến Bạch Đằng đang trong thời gian tạm ngưng hoạt động để gia cố, nhưng những chuyến vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu hoặc nhà hàng nổi, những tour du lịch đường thủy nội đô dọc theo rạch Bến Nghé – kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé – Kênh Đôi – Rạch Ông; TP.HCM – Củ Chi… vẫn được duy trì bởi sự nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải.
Theo dự thảo, thành phố dự kiến sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20% và tăng doanh thu 30% mỗi năm nhằm hướng đến mục tiêu đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực vào năm 2020.
Với lịch sử phát triển lâu dài, cảng Sài Gòn đã khẳng định được truyền thống hoạt động, cống hiến của mình vì lợi ích của khách hàng và từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước, nên đã được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 
Bên cạnh việc phát triển du lịch đường sông, TP.HCM cũng có nhiều tiềm năng phát triển VTHKCC. Đề tài “Nghiên cứu phát triển loại hình VTHKCC bằng đường thủy nội địa trên địa bàn TP.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị và giao thông vận tải chủ trì đã được báo cáo vào ngày 13-11-2014 tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, để các nhà khoa học đóng góp ý kiến. Tại đây, các ý kiến góp ý tập trung về việc kết nối giữa VTHKCC bằng đường thủy và VTHKCC đường bộ để tạo sự thông suốt giữa các hệ thống VTHKCC.
Theo đó, hàng loạt hạng mục đang được nghiên cứu một cách rốt ráo để có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tế như: Quy hoạch mạng lưới luồng tuyến VTHKCC bằng đường thủy, lựa chọn loại phương tiện, thiết kế bến bãi và các điểm dừng đỗ dọc tuyến, các công trình phụ trợ khác trên tuyến, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách về tổ chức, quản lý trong quá trình đầu tư và khai thác loại hình này. Dự kiến trong tương lai gần, thành phố sẽ triển khai thí điểm một tuyến mẫu để tiến hành đánh giá hiệu quả.
Lúc này, người dân đang kỳ vọng mô hình VTHKCC đường thủy nhanh chóng được triển khai hầu góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ và kỳ vọng nhờ đó mà những chuyến đò ngang thô sơ, tự phát thiếu an toàn trên địa bàn thành phố cũng sẽ được quy hoạch và chuẩn hóa để đảm bảo an toàn cho người dân theo quy định chung.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Mục tiêu sẽ đón 4,7 triệu lượt khách quốc tế
Trong năm 2015, Sở Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu sẽ đón 4,7 triệu lượt khách quốc tế, (tăng 7% so với năm 2014) và đạt tổng doanh thu du lịch khoảng 94.600 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2014).
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Du lịch tập trung xây dựng trung tâm hỗ trợ du khách, tiếp tục triển khai những sản phẩm du lịch đạt chất lượng, quy hoạch cầu tàu và bến đỗ nội đô nhằm khai thác có hiệu quả hơn ngành công nghiệp không khói ở TP.HCM.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)