5 huyện ngoại thành TP.HCM là Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi những năm gần đây có tốc độ đô thị hóa nhanh, trình độ dân trí cao, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên từng ngày…
Bên cạnh hạ tầng giao thông phát triển, từ vùng trũng, Nhà Bè mọc lên nhiều khu đô thị hiện đại. Ảnh: Tr.Giao
Có thể thấy sự thay đổi rõ rệt nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt ở 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Hóc Môn là sản xuất nông nghiệp thu hẹp nhanh và phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế dịch vụ 4.0… Nhiều mô hình làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo của vùng ven.
“Thay da đổi thịt”
Nằm ở phía Nam TP, huyện Nhà Bè có diện tích hơn 100km2 với dân số hơn 207.000 người. Theo kết quả sơ bộ đánh giá hiện trạng của đề án thành lập đơn vị hành chính quận, phường (hoặc TP thuộc TP.HCM) đối với 5 huyện nói trên, huyện Nhà Bè đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế – xã hội và 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Ông Lê Văn Cư (74 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nhớ lại: Chỉ khoảng 20 năm trước, Nhà Bè vẫn còn cách biệt về mọi mặt so với các quận nội thành. Thời điểm đó, ở các tuyến đường Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích… hai bên là lau sậy, dừa nước, bần mọc cao bạt ngàn. Về đêm, tầm 8 giờ tối ngoài đường không một bóng người. Còn bây giờ thì phương tiện đi lại nhộn nhịp cả đêm, nhiều khu đô thị, nhà cao tầng mọc san sát.
“Những khu đất trồng lúa trước đây giờ là nhà trọ, chung cư phức hợp sang trọng. Chủ đất ngày trước giờ có không ít người sở hữu vài chục phòng trọ, mỗi tháng thu gần trăm triệu đồng”, ông Cư nói.
Một khu dân cư mới ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ảnh: Tr.Giao
Có thể thấy, điểm mạnh trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Nhà Bè là có Khu công nghiệp Hiệp Phước thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất. Đặc biệt là có cảng Hiệp Phước nước sâu nằm trên sông Soài Rạp có thể đón tàu tải trọng lớn.
Trong khi đó, huyện Hóc Môn có diện tích hơn 109km2 với dân số hơn 462.800 người. Cũng như các huyện ngoại thành khác, Hóc Môn có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển đều về mọi mặt. Hóc Môn có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, trong đó có quốc lộ, đường vành đai, tỉnh lộ vừa được mở rộng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Cùng với Nhà Bè, huyện Hóc Môn có hệ thống sông rạch thuận lợi để phát triển giao thông thủy cũng như xây dựng các cụm công nghiệp và làm nông nghiệp sạch. Đến nay, Hóc Môn đạt 6/6 tiêu chí về phát triển kinh tế – xã hội, đạt 21/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Tương tự, huyện Bình Chánh rộng hơn 252km2 với dân số khoảng 711.000 người, đạt 6/6 tiêu chí về phát triển kinh tế – xã hội và đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Bình Chánh nằm ở cửa ngõ chính phía Tây và Nam của TP.HCM thông qua trục đường Nguyễn Văn Linh, kết nối quốc lộ 1 với tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thông thương với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Hạ tầng thuận lợi liên kết vùng
Theo báo cáo, nhiệm kỳ 2015-2020, các ngành kinh tế của huyện Nhà Bè tăng trưởng ổn định hàng năm từ 12-12,2%, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 12,4%; trong đó ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ phát triển bình quân hàng năm đạt 12,53%, ngành tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 10,54%.
Đối với các công trình dân sinh, nhiều đường, trường, cầu… đã được xây mới. Riêng đường giao thông nông thôn, trong nhiệm kỳ vừa qua huyện đã hoàn thành 74 công trình với tổng số vốn hơn 457 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ người dân và doanh nghiệp khoảng 137 tỷ đồng.
Sông Lòng Tàu, Soài Rạp là lợi thế phát triển giao thông thủy của TP.HCM. Trong ảnh: Tàu hàng vào cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Ảnh: Tr.Giao
Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển 5 huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030. Theo đó, lộ trình chuyển 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Hóc Môn thành quận (hoặc TP trong TP.HCM) sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; chuyển 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi thành quận (hoặc TP trong TP.HCM) thực hiện trong giai đoạn 2025-2030. |
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế của huyện Bình Chánh duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20,53%/ năm. Trong đó nổi bật là ngành công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, tăng bình quân 20,97%/ năm; kế đến là ngành thương mại – dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt 20,63%/ năm; ngành nông nghiệp bình quân đạt 5,12% năm… Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, trong thời gian qua Bình Chánh cũng đã nâng cấp, đầu tư để nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường liên xã, liên ấp…
TS. Nguyễn Hữu Bằng – chuyên gia kinh tế, Viện Phát triển Kinh tế phía Nam – cho rằng, Bình Chánh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp. Theo đó, huyện có lợi thế về giao thông (đường bộ, đường thủy), thuận lợi cho mở rộng, phát triển liên kết vùng với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc… đã và đang thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
“Nếu khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Bình Chánh sẽ là một địa phương phát triển nhanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế Nam bộ nói chung”, TS. Bằng khẳng định.
Tri Giao
Bình luận (0)