Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Điền nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Đặt nguyện vọng yêu thích theo trật tự  ưu tiên từ cao xuống thấp sẽ giúp thí sinh dễ  đậu được vào ngành phù hợp với nguyện vọng bản thân.

Ông Nguyễn Hùng Nhiên (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang) đánh giá chương trình tư vấn thiết thực, ý nghĩa đối với việc chọn ngành của thí sinh tỉnh nhà

Điều này được Ban tư vấn chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2019 “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức nhấn mạnh với học sinh hai tỉnh Hậu Giang, Cà Mau trong buổi diễn ra ngày 4 và 5-3. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài phát thành và truyền hình hai tỉnh này, thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh, phụ huynh.

Tránh vào ĐH bằng mọi giá

Tại chương trình, học sinh Phan Thị Thanh Hằng (Trường THPT Vị Thanh, Hậu Giang) đặt câu hỏi: “Nếu năm nay chúng em cũng được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển thì nên điền như thế nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất?” Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho hay khi đăng ký xét tuyển, các em cần ưu tiên đặt nguyện vọng yêu thích và là thế mạnh lên trên cùng, sau đó giảm mức độ ưu tiên dần xuống dưới. Việc xét tuyển cũng dựa trên trình tự ưu tiên này, do đó, thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích hoặc ngành gần nhóm đó nhất.

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn chương trình

“Theo nguyên tắc, các em trúng tuyển nguyện vọng này sẽ không được tiếp tục xét các nguyện vọng tiếp theo sau đó. Chẳng hạn, khi thí sinh đã trúng tuyển NV1, hệ thống sẽ tự động ngưng xét tuyển các nguyện vọng còn lại. Do vậy, các em cần căn cứ ngành yêu thích nhất, tổ hợp phù hợp nhất, có khả năng đạt mức điểm cao nhất đặt theo mức độ ưu tiên từ trên xuống dưới để tăng cơ hội trúng tuyển" – ông Cường nói.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng lưu ý, nhiều trường ĐH áp dụng tiêu chí phụ để xét tuyển đối với các thí sinh trùng mức điểm, thí sinh cần tìm hiểu kỹ cách thức này. “Việc mở rộng cửa xét tuyển đối với thí sinh thông qua nhiều phương thức đăng ký tạo thêm cơ hội cho các em nhưng các em cần dựa trên năng lực, sở thích, nhu cầu nhân lực xã hội, tránh trường hợp vào ĐH bằng mọi giá nhưng lại rơi vào ngành nghề không yêu thích"- Ông Cường tiếp tục nhấn mạnh.

Quan tâm cơ hội việc làm

Tương tự các địa phương khác, học sinh Hậu Giang, Cà Mau quan tâm nhiều đến cơ hội việc làm khi lựa chọn ngành nghề. Giải tỏa mối quan tâm của thí sinh, ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Tài chính – Marketing) chia sẻ, bất kỳ trường nào đạo tạo sinh viên đều hướng đến việc tạo điều kiện cho các em tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp, cụ thể thông qua kết nối doanh nghiệp. Dĩ nhiên, các trường không đảm bảo 100% việc làm cho sinh viên vì cơ hội này còn phụ thuộc năng lực và nỗ lực của chính các em. Để có kết quả tốt, trước tiên các em phải chọn ngành nghề phù hợp. Việc chọn ngành nghề theo trào lưu, tâm lý số đông sẽ gây khó khăn cho các em trong quá trình học tập, khó theo đuổi chương trình đào tạo, dễ chán, dễ ngả gục trước khó khăn. Ngược lại, có những sinh viên chọn được đúng ngành nghề, có động lực học tập tốt, dễ nắm được việc làm ngay từ ghế nhà trường hoặc ngay sau khi tốt nghiệp.

Học sinh theo dõi chương trình tư vấn

Học sinh Gia Mẫn (Trường THPT Vị Thủy, Hậu Giang) bày tỏ: “Em quan tâm ngành quản trị kinh doanh, phương thức xét tuyển vào ĐH của ngành này như thế nào?”. ThS. Huỳnh thanh Phương (Trưởng Phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, ngành quản trị kinh doanh hiện được đào tạo tại nhiều trường, việc xét tuyển đầu vào theo mỗi trường cũng dựa trên nhiều phương thức khác nhau. Chẳng hạn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành này được xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia, học bạ THPT… Theo ThS Phương, điểm đầu vào ngành này có thể không cao nhưng thông qua chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp của trường, các em có thể có đầu ra với chắc chắn với nhiều cơ hội việc làm tốt.

Ông Nguyễn Hùng Nhiên (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang) nhận định: “Kỳ thi THPT quốc gia là sự kiện quan trọng được học sinh, phụ huynh hết sức quan tâm, nhất là với khâu chọn trường, chọn ngành xét ĐH-CĐ. Để trúng tuyển ĐH-CĐ, các em không chỉ cần nỗ lực hết mình trong học tập mà còn cần khôn khéo lựa chọn trường, ngành học phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu nhân lực xã hội…

Qua nhiều năm, Báo Giáo dục TP.HCM đã phối hợp Sở GD-ĐT Hậu Giang tổ chức chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ tại địa phương, góp phần không nhỏ vào công tác tuyển sinh, hướng nghiệp của toàn tỉnh, từ đó giúp học sinh chọn trường, ngành vừa vặn với nguyện vọng. Chúng tôi xin cảm ơn quý báo năm nay đã tiếp tục đem chương trình hết sức ý nghĩa, thiết thực này đến với học sinh vào thời điểm các em đang cần thông tin làm cơ sở lựa chọn ngành nghề để đăng ký xét ĐH-CĐ, lựa chọn lối thích hợp để vào đời”.

Cũng liên quan đến câu hỏi của học sinh Dĩ Khang (Trường THPT Vị Thanh) về về phương thức xét học bạ vào trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ThS. Trần Thị Mộng Loan (Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) thông tin, năm nay, phương thức xét học lần đầu được áp dụng tại trường. Cụ thể, trường sẽ xét kết quả học tập lớp 12 theo tổ hợp môn như các môn thi THPT quốc gia, điểm điều kiện xét tuyển ở cơ sở chính tại TP.HCM là 19.5 điểm, phân hiệu tại Quảng Ngãi là 18 điểm. Bên cạnh đó, trường xét phương thức khác cho 31 ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ, môi trường, ngôn ngữ cho bậc ĐH và CĐ, riêng bậc CĐ điều kiện đầu vào là tốt nghiệp THPT cho 18 chuyên ngành.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)