Nhiều khách hàng trẻ tại Đông Nam Á tìm đến smartphone bình dân, tầm trung thay vì các mẫu máy cao cấp hơn từ Samsung, Apple.
Hãng nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) khảo sát 2.500 người trong độ tuổi 18 – 40 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dưới sự tài trợ của thương hiệu smartphone Poco. Hơn 3/4 người tham gia cho biết họ yêu thích điện thoại tầm trung hơn.
Gần 8 trong 10 người cho biết họ tự tin hơn với điện thoại tầm trung so với 5 năm trước vì chúng cân bằng được giữa giá và hiệu suất, đáp ứng nhu cầu người dùng mà không cần các tính năng thừa thãi.
Mọi người dùng smartphone chụp ảnh tại một buổi trình diễn ánh sáng tại Phú Quốc.
Poco – thương hiệu tách ra từ Xiaomi năm 2020 – đang cố gắng giành khách hàng trẻ tại Đông Nam Á với những thiết bị tốt trong tầm giá như vậy, chẳng hạn mẫu Poco M3 Pro 5G, bán tại Indonesia với giá từ 2.399.000 rupiah (hơn 3,7 triệu đồng). Thiết bị hỗ trợ kết nối 5G, hai khay SIM, tần số quét màn hình dựa theo nội dung hiển thị để tiết kiệm pin.
Khảo sát của YouGov chỉ ra khách hàng trẻ Đông Nam Á chủ yếu dùng thiết bị cầm tay để giải trí, 80% thừa nhận họ mua điện thoại để xem video và 60% chơi game. Hơn một nửa người tham gia khảo sát tiết lộ mua hàng online ít nhất vài lần trong tuần.
Nhìn chung, Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) dành nhiều thời gian trên điện thoại hơn Millennial (1981-1996). Chẳng hạn, Gen Z trung bình dùng 10 giờ cho mạng xã hội, so với 7,7 giờ của Millennial.
Theo Jenny Armshaw-Heak, Giám đốc YouGov, dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu giải trí trên smartphone, từ đó tăng kỳ vọng của người dùng với thông số kỹ thuật thiết bị. Họ quan tâm đến tiện ích, khả năng lưu trữ, hiệu suất, tốc độ, tính năng – những thứ nâng cao trải nghiệm nói chung, đặc biệt là game.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys, thị trường smartphone Đông Nam Á do Samsung dẫn đầu với 27% thị phần trong quý đầu năm, tiếp theo là Oppo, Xiaomi, Vivo và Realme. Dù lượng smartphone xuất xưởng sang khu vực giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022, các nhà phân tích dự đoán nó sẽ tăng 7% vào năm tới nhờ nhu cầu phục hồi.
Sheng Win Chow, nhà phân tích của Canalys, nhận xét năm 2024 sẽ là một câu chuyện khác. Nhìn về tương lai, Đông Nam Á tiếp tục là thị trường hứa hẹn với các nhà sản xuất smartphone nhờ tầng lớp trung lưu và dân số trẻ. Dù vậy, thương hiệu bình dân cũng đối mặt với cạnh tranh ngày một khốc liệt từ các nhà sản xuất thiết bị cao cấp. Theo Chow, sự nổi lên của thanh toán kỹ thuật số và lựa chọn tài chính giúp thiết bị cao cấp trở nên phải chăng hơn với đám đông.
Theo báo cáo khác từ hãng nghiên cứu Counterpoint, doanh số iPhone tăng 18% theo năm trong quý I, trong khi Samsung, Xiaomi, Vivo, Oppo đều sụt giảm.
Du Lam (theo vietnamnet)
Bình luận (0)