Với tư cách từng là một cán bộ quản lý (Phó Hiệu trưởng một trường THPT ở Sóc Trăng), tôi rất đồng ý chuyện cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Bởi cái lợi thì ít, cái hại rất nhiều. Vì vậy, nên cấm ngay việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học trong thời gian hoạt động của trường. Nếu học sinh muốn liên hệ với gia đình khi cần thiết, bộ phận văn phòng – hành chính, giám thị của trường sẽ đáp ứng khâu này.
Nhiều cái hại khi học sinh sử dụng điện thoại trong trường học như giảm thời lượng tương tác, trò chuyện, trao đổi giữa học sinh với nhau; làm mất đi sự ứng phó nhanh nhạy trước mọi tình huống xảy ra của học sinh; gây hại mắt, hại trí não (học sinh lớp 1 đến lớp 12 từ nông thôn đến thành thị, nhiều em đã mang kính cận, thật sự báo động về sức khỏe học đường). Tuy nhiên, có một cái hại mà mọi người chưa đề cập tới, đó là điện thoại tiếp tay cho những hành vi gian lận, gian dối trong học tập. Tôi từng bất lực khi biết học sinh chụp bài, hoặc giải bài gửi cho bạn trong giờ kiểm tra. Thí dụ, giờ toán lớp 12A1 có kiểm tra một tiết. Học sinh trong lớp sẽ chụp đề và gửi cho bạn mình đang học lớp 12A3 nhờ giải chẳng hạn. Khó nhất là những môn học thuộc bài như lịch sử, giáo dục công dân…, các em đều sử dụng điện thoại nhờ các bạn lớp bên cạnh làm giùm, hay tìm tài liệu giùm rồi gửi lại. Cuối năm tổng kết, học sinh đạt điểm 9, điểm 10 nhờ gian lận như thế! Bi hài nhất có một lần, một vị phụ huynh xin rút tên con khỏi danh sách “Học sinh giỏi” cả năm. Vì phụ huynh cho rằng “Tôi biết con mình không thể học được tới điểm số đó, vì nhờ có điện thoại “giúp sức” nên cháu mới có được kết quả như vậy thì không xứng đáng”. Nhưng danh sách đã lên, điểm đã rõ ràng giấy-trắng-mực-đen nên không thể bỏ được mà vẫn giữ danh hiệu “Học sinh giỏi” cho học sinh này.
Ngay cả học sinh trường chuyên, dù đầu vào luôn là “Hạnh kiểm tốt” nhưng các em vẫn gian lận, vì xung quanh làm vậy mà mình không làm thì “khác người”. Cuối năm học, cả lớp đều đạt “Học sinh giỏi”, còn “Học sinh khá” rất hiếm! Không phải học giỏi cả đâu mà vì gian lận… giỏi, và giáo viên, do căn bệnh thành tích, ai cũng “gù lưng” không muốn mình làm người “thẳng lưng”. Nói cách khác, hệ lụy của việc đưa điện thoại vào trường học làm cho giáo viên bất lực, trở nên vô cảm trước những hành vi gian lận mà mình chứng kiến hàng ngày.
Lê Lam Hồng
Bình luận (0)