Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Điện thoại Trung Quốc đang dẫn đầu về camera

Tạp Chí Giáo Dục

Giống nhiều người dùng nội địa, Gao Jian từng có thời gian dài tin rằng chất lượng smartphone trong nước không thể bằng các thương hiệu ngoại, đặc biệt Apple.
Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, Gao đã gia nhập nhóm khách hàng đang tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc, những người quyết định chuyển từ iPhone sang smartphone Android cao cấp của Trung Quốc. "Thiết kế và camera của chúng tốt hơn những gì tôi tưởng", Gao chia sẻ với trang SCMP
Quyết định của Gao cho thấy sự thành công của ngành công nghiệp điện thoại di động Trung Quốc khi xoá bỏ được định kiến các sản phẩm nội địa chỉ hấp dẫn ở phân khúc thấp và giá rẻ. 
Từ định kiến chuyên sao chép, bắt chước thiết kế đến tính năng, công nghệ, smartphone Trung Quốc dần trở thành những người dẫn dắt xu hướng thị trường, trong đó rõ rệt là camera.
Huawei liên tục nhắc đến sự vượt trội về camera của Mate 30 Pro so với iPhone 11 Pro Max và Galaxy Note 10+ khi ra mắt sản phẩm.
Mate 30 Pro, smartphone Trung Quốc vừa ra mắt hôm 18/9 tại Đức, vừa qua mặt Galaxy Note 10+ 5G để trở thành smartphone có camera tốt nhất thị trường, theo đánh giá từ DxOMark, tổ chức nổi tiếng chuyên kiểm nghiệm camera. Sản phẩm của Huawei được chấm 121 điểm, trong khi đó, model tới từ thương hiệu Hàn Quốc bị tụt lại, bởi kém 4 điểm. 
Tuy nhiên, đây không là lần đầu tiên smartphone của Huawei có vị trí số một về camera. Trước Note 10+ 5G, P30 Pro từng dẫn đầu về điểm số đánh giá của DxOMark từ cuối tháng 3/2019 cho tới khi Note 10 xuất hiện, tháng 8/2019.
Không chỉ có được vị trí dẫn đầu, smartphone Trung Quốc nói chung còn thống trị bảng xếp hạng chất lượng camera trên điện thoại. Ngoài Huawei, Honor, một thương hiệu con của hãng cũng góp mặt ở trong top 5. OnePlus và Xiaomi, hai nhà sản xuất smartphone nổi tiếng với những sản phẩm cấu hình cao, giá hợp lý cũng có tới hai mẫu smartphone chụp ảnh đẹp lọt vào top 10.
Điều này giúp cho số lượng sản phẩm Trung Quốc chiếm tới 7 trong 10 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng của DxOMark. Trong khi đó, Apple, nhà sản xuất vẫn luôn tự hào về những mẫu điện thoại có camera tốt nhất từ trước đến nay mới chỉ có XS Max ở vị trí số 11. 
Mới tuần trước, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại đầu tiên tung ra smartphone sử dụng camera có độ phân giải lên tới 108 megapixel, lớn nhất thị trường. Trước đó vào tháng 8, Realme, một thương hiệu con của Oppo, cũng vượt mặt Samsung để cho ra mẫu điện thoại đầu tiên thế giới dùng cảm biến máy ảnh 64 megapixel. 
Trong khi đó, những năm gần đây, điện thoại của Apple, Nokia hay Samsung, Google không được nhắc đến nhiều về sự tiên phong hay đột phá ở camera nói riêng hay công nghệ nói chung.
Tới thế hệ iPhone 11 vừa rồi, Apple mới bổ sung camera có góc chụp siêu rộng và nâng tổng số ống kính máy ảnh lên tới 3. Nhưng thực tế, những điều này đã phổ biến trên nhiều smartphone Trung Quốc từ cao cấp cho tới tầm trung trong hai năm qua. Camera trượt, xoay tự động hay đục lỗ, độ phân giải lớn trước khi có mặt trên smartphone Galaxy của Samsung đã xuất hiện trên nhiều smartphone của Xiaomi, Huawei hay Oppo, Vivo…
Công nghệ camera tàng hình, ẩn bên dưới màn hình được Oppo trình diễn đầu 2019. 
Sự thành công của các thương hiệu Trung Quốc nằm ở chiến lược mở rộng hoạt động, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ.  Năm 2016, Huawei đã bắt tay với Leica, nhà sản xuất máy ảnh và thấu kính nổi tiếng bậc nhất thế giới, để đem lên smartphone những công nghệ camera mới như cảm biến chuyên chụp ảnh đen trắng… Mối quan hệ này đã được duy trì suốt từ đó đến nay trên nhiều dòng sản phẩm cao cấp. 
Với Oppo, một thương hiệu điện thoại mới xuất hiện 10 năm nhưng luôn góp mặt thường xuyên tại hội nghị di động toàn cầu Mobile World Congress hàng năm, chỉ để nói về những công nghệ camera mà họ đã làm được và chuẩn bị áp dụng. Năm 2017, hãng trình diễn hệ thống camera cấu tạo quang học kiểu "tàu ngầm". Hay mới đây nhất, đầu 2019, hãng tiết lộ bản mẫu của công nghệ camera chìm dưới màn hình, giúp loại bỏ thiết kế tai thỏ hay khoét lỗ.
Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, điện thoại Trung Quốc hứa hẹn còn tiếp tục tăng trưởng nữa trong thời gian tới. Chúng không chỉ dẫn dắt xu hướng camera mà còn thể hiện ở cả các công nghệ khác từ màn hình tới thiết kế. Lượng khách hàng nội địa đông đảo đã giúp cho các thương hiệu Trung Quốc tích luỹ được tiềm lực lớn để đầu tư mở rộng hoạt động và vươn ra thị trường quốc tế.
Năm ngoái, Huawei là nhà sản xuất có mức tăng trưởng thị phần nhanh nhất thế giới và đã vượt qua Apple để đứng thứ hai thị phần toàn cầu, chỉ sau Samsung. Những cái tên khác như Oppo, Vivo hay Xiaomi cũng gia tăng thị phần và áp sát nhà sản xuất iPhone.
Mỹ Anh (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)