Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Điện thoại Việt: Trong cái khó “ló” smartphone

Tạp Chí Giáo Dục

Thấy nhu cầu sử dụng smartphone đang lớn, doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt nhảy vào nhưng cơ hội lại không hề “dễ ăn”.
Không chỉ có doanh nghiệp (DN) đang ngấp nghé đóng cửa, cả DN từng khá thành công với dòng điện thoại cấp thấp như Q-Mobile cũng cho biết sẽ định hướng hơn 80% doanh thu vào dòng điện thoại thông minh (smartphone).
Làm để tránh khủng hoảng
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2010 được xem là thời kỳ “vàng son” của các nhà sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt, chiếm đến 40% thị trường. Tuy nhiên, đến giữa năm 2012, trước hàng loạt khó khăn bủa vây, một số DN sản xuất điện thoại thương hiệu Việt như Hi-Mobile, BluePhone… đã tạm dừng sản xuất. Thậm chí, các thương hiệu từng đạt doanh thu rất cao cũng mất dần thị phần. Dự báo cuối năm 2012 chỉ còn bốn thương hiệu điện thoại Việt duy trì hoạt động.
Tình hình khó khăn đã buộc các DN lần lượt từ bỏ dòng điện thoại hai SIM hai sóng không hệ điều hành từng ăn khách một thời để quay sang phân khúc thị trường lớn hơn.
Sau thời gian kinh doanh trong phân khúc “pre-smartphone” (giả lập các tính năng smartphone trên điện thoại thông thường), Mobiistar hướng đầu tư sang dòng smartphone touch chạy hệ điều hành Android. Giá khá rẻ, khoảng 1,7-3 triệu đồng, trong khi sản phẩm của các hãng lớn khoảng 4-7 triệu đồng, thậm chí là cao hơn với cấu hình tương đương.

Nhiều dòng smartphone Việt thời gian tới sẽ xuất hiện ở các siêu thị. Ảnh: B.HUY
Vào trung tuần tháng 9, Công ty Viễn thông An Bình (thương hiệu Q-Mobile) tuyên bố đầu tư mạnh cho smartphone và dần hạn chế sản xuất các dòng sản phẩm cũ. DN này cho ra mắt thương hiệu mới Q-Smart gồm các dòng smartphone cao cấp hơn so với các dòng sản phẩm không hệ điều hành trước đó. Theo An Bình, về cơ bản họ vẫn duy trì song song hai dòng sản phẩm là điện thoại tính năng và smartphone nhưng về lâu dài smartphone sẽ thay thế toàn bộ. DN này đặt mục tiêu đưa Q-Smart lọt vào nhóm ba thương hiệu dẫn đầu về smartphone ở Việt Nam năm 2013.
Bên cạnh đó, có nhiều nguồn thông tin cho rằng Tổng Công ty Viễn thông Quân đội – Viettel đang đầu tư công nghệ để kịp góp mặt vào phân khúc này.
Việc DN trong và ngoài nước cạnh tranh làm smartphone được xem là khá dễ hiểu, do nhu cầu người tiêu dùng ngày càng lớn khiến thị trường trở nên hấp dẫn. Theo đánh giá của giới phân tích, hiện số người dùng smartphone tại Việt Nam vào khoảng 3 triệu người và sẽ tăng lên 4 triệu người vào cuối năm 2012. Còn theo ông John Stefanac, Chủ tịch Qualcomm châu Á-Thái Bình Dương, lượng người dùng smartphone năm nay sẽ chiếm 21% tổng số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam (Qualcomm là một trong những hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ).
“Nhà nhà đều làm” – Kinh doanh dễ chết
Nhận định về sự chuyển hướng của các DN điện thoại di động Việt, ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Thegioididong.com, cho biết xu hướng smartphone giá rẻ phát triển mạnh và các DN Việt đã nhanh chóng bắt kịp nhu cầu. Đây là bước thay đổi cần thiết và kịp thời để vượt qua khó khăn. Song điều này không có nghĩa là các DN trong nước sẽ thuận lợi bởi thị trường điện thoại di động luôn có sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu Trung Quốc và các hãng lớn nước ngoài khác.
Mặc dù smartphone là phân khúc thị trường tiềm năng nhưng việc các DN làm tràn lan chưa chắc hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty Viễn Thông An Bình, nhận định khác với sản phẩm điện thoại thông thường, kinh doanh smartphone khá mạo hiểm. Thứ nhất là có rất nhiều dòng smartphone của các hãng lớn. Thứ hai là smartphone rất mau hết thời, dòng đời mỗi sản phẩm chỉ kéo dài 2-3 tháng nên giá nhanh giảm, DN rất dễ thiệt hại. Do đó, DN cần có chiến lược cụ thể, biết cách kết hợp với các nhà phân phối và làm ra sản phẩm chất lượng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Giám đốc điều hành Mobiistar Ngô Nguyên Kha nói cơ hội kinh doanh smartphone không chia đều cho tất cả. “Trước mắt, chúng tôi phải thách thức chính mình, tìm hiểu xem người tiêu dùng muốn gì ở từng sản phẩm của Mobiistar, phải làm cách nào để họ rút những đồng tiền kiếm được trong thời buổi khó khăn này ra để mua smartphone Mobiistar”.
Theo ông Kha, người tiêu dùng ngày càng có nhiều thông tin và lựa chọn. Chiến lược kinh doanh đẩy đi quá sớm hay quá trễ đều dễ dẫn đến rủi ro. “Cách chuẩn bị duy nhất là theo dõi kỹ diễn biến công nghệ, luôn sẵn sàng cho cái mới, đồng thời theo dõi khẩu vị của người tiêu dùng để giới thiệu đến họ các món ngon bổ rẻ mà lại nóng sốt kịp thời!” – ông ví von.
Thế nhưng ông Đinh Anh Huân (Thegioididong.com) phân tích, rất khó nói trước về tiềm năng phát triển lâu dài của điện thoại thương hiệu Việt, vì các DN trong nước chưa đủ tiềm lực. Một sản phẩm bao gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng được DN đặt hàng tại Trung Quốc nên không có sự khác biệt. Về phần mềm thì điện thoại Việt vẫn chưa có gì mới do thiếu các kho phần mềm đặc trưng trong khi các hãng lớn có rất nhiều.
Do đó, “để điện thoại thương hiệu Việt phát triển, DN cần tích lũy tài chính thật mạnh, làm thương hiệu thật tốt, đặc biệt là phải đầu tư phần mềm để tạo khác biệt, luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng phần cứng” – ông Huân kết luận.
Bỏ bớt thiết bị Trung Quốc
Các DN sản xuất điện thoại Việt Nam đang bắt đầu hướng đến cạnh tranh sản phẩm bằng công nghệ cao. Chẳng hạn, thay vì dùng chip xử lý của Trung Quốc như trước, hầu hết DN chuyển sang sử dụng bộ vi xử lý của hãng Qualcomm. Theo ông John Stefanac, Chủ tịch Qualcomm châu Á-Thái Bình Dương, các thương hiệu như Q-Mobile, Mobiistar và FPT… đều đang sử dụng chip của Qualcomm. Bên cạnh đó, nhiều DN còn hướng đến dòng chip cao cấp hơn như Snapdragon S4 sẽ xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm nay với giá khoảng 200 USD. Điều này sẽ đẩy giá các thiết bị cao cấp xuống ít nhiều.
BÁ HUY (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)