Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Diễn viên đa năng mới có nhiều cơ hội

Tạp Chí Giáo Dục

Diễn viên sân khấu, điện ảnh hiện nay khá đông và lực lượng trẻ chiếm số lượng không nhỏ. Tuy nhiên, chuyện làm nghề hiện không đơn giản như các thập niên trước, mỗi diễn viên phải trang bị cho mình thêm rất nhiều kỹ năng, tài lẻ để có cơ hội xuất hiện.

Ca hát, nhảy múa… vô cùng cần thiết

Nhìn vào sân khấu kịch IDECAF có thể thấy rõ điều này. Đây là sân khấu dựng rất nhiều vở thiên về nhạc kịch, nếu không phải nhạc kịch thì cũng có nhiều lớp diễn sinh động với âm nhạc, nhảy múa. Đặc biệt, mỗi năm IDECAF đều có một vở kịch thiếu nhi hoành tráng với chất nhạc kịch 100%, đòi hỏi diễn viên phải biết ca múa đa năng. Nghệ sĩ Hồng Ánh từng nói: “Tôi diễn cũng nhiều sân khấu, nhưng khi về IDECAF, tôi coi như “học lại” các kỹ năng ca múa. Mình bắt buộc phải làm theo xu hướng chung của nơi đó, không thể viện bất cứ lý do gì. Thế là lao vào học. Ban đầu nhảy đến đuối luôn, nhưng khi nhảy được rồi thì thích lắm, vừa vui vừa khỏe, còn hơn tập thể dục”. Nghệ sĩ Phi Phụng bộc bạch: “Tôi chuyên diễn hài, lại mập phục phịch vầy nè, nhưng đạo diễn có tha đâu, vẫn bắt tôi nhảy cùng mấy diễn viên “trẻ trâu”. Tôi cũng phải tuân lệnh thôi. Nhảy riết cũng quen, hết thấy mệt, mà khỏe ra nữa”.

Diễn viên đa năng mới có nhiều cơ hội - ảnh 1

Vở A lô lộ hàng của IDECAF. Ảnh: H.K

IDECAF có nghệ sĩ Thành Lộc, Mỹ Duyên từng học múa nên nhảy rất giỏi, đẹp, và dễ dàng nhập vai. Còn lại hầu hết các nghệ sĩ khác đều bắt đầu “học” từ khi tham gia một vở, và kết quả 100% lực lượng của IDECAF đều nhảy múa rất tốt, thời điểm này nếu đưa ra tập bất cứ vở nhạc kịch nào mọi người đều cảm nhận rất nhanh. Đình Toàn hiện là nghệ sĩ giỏi của IDECAF, anh nói: “Tôi nghĩ ca hát và nhảy múa là những kỹ năng cần thiết cho diễn viên, là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn tới. Nếu không phải là nhạc kịch thì diễn viên cũng cần cảm nhận được nhịp điệu của nhạc nền để vào thoại cho đúng. Hoặc diễn cảnh té ngã thì cũng phải biết nhạc rơi vào nhịp nào để té cho đúng, mới tạo hiệu quả cao. Hoặc đặt cái bàn xuống, cũng canh nhịp bạn diễn đi tới, khớp với nhau… Những cảm nhận âm nhạc nếu biết khai thác thì tạo hiệu ứng tốt lắm”. Còn nhớ vai Bùi Kiệm của Đình Toàn trong vở Tiên Nga khiến khán giả cười bò lăn nhờ vào cách diễn nương theo âm nhạc, và mới đây vai Sinbad cũng cực kỳ thu hút nhờ vào cách diễn như thế. Đình Toàn còn cho biết: “Ngay cả múa ballet cũng phải biết chút ít, chứ không thể lết lết bước ra sân khấu. Khán giả thông cảm nhưng có mức độ thôi, còn lại mình phải làm cho tương đối coi được”.

Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng dựng nhiều vở có ca hát nhảy múa, và diễn viên khá sinh động, kỹ năng tốt. Buffalo chuyên trị nhạc kịch, vì vậy tất cả diễn viên đều giỏi ca múa. Đạo diễn Chánh Trực hiện đang là một trong những “trụ cột” của sân khấu 5B, anh vừa diễn, vừa dựng, có duyên thu hút. Anh nói: “Diễn viên có thêm kỹ năng ca múa, kịch câm, rối thì đạo diễn càng có nhiều sự chọn lựa. Hiện nay sân khấu đang có xu hướng nhạc kịch hoặc hơi tạp kỹ một chút, đòi hỏi diễn viên phải đa năng. Chứ không lẽ đoạn đó cần ca mà anh lại ca lạc tông. Ngay cả khi tôi dựng phim sitcom cũng cần diễn viên đa năng. Nếu các bạn không ý thức rèn luyện thì sẽ mất nhiều cơ hội làm nghề”.

Diễn viên hiện nay còn phải học cả khiêu vũ, vọng cổ, vũ đạo, võ thuật. Nghệ sĩ Hữu Châu nói: “Với những vở cổ như Ngàn năm tình sử, Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê, thì diễn viên phải biết diễn khác đi. Tôi may mắn sinh ra trong gia đình cải lương nên biết chút ít vũ đạo, trình thức, vì vậy khi diễn tuồng sử tôi khá dễ dàng”. Khán giả ngày nay không chấp nhận diễn cảnh đánh võ mà quơ quơ không đúng tư thế, sẽ thấy “giả trân” ngay. Đình Toàn còn nêu ý kiến: “Diễn viên nên học ca cả những bài lý và cơ bản về vọng cổ. Tất nhiên mình không thể ca hay bằng nghệ sĩ chính gốc cải lương, nhưng ít nhất phải “nghe lọt tai”. Tôi nghĩ, ai cũng cần biết về âm nhạc truyền thống, chắc chắn có dịp sử dụng”.

Diễn viên đa năng mới có nhiều cơ hội - ảnh 2

NSƯT Thành Lộc là một tấm gương về sự đa năng, giỏi về ca hát, nhảy múa. Ảnh: Độc Lập

Nơi đâu đào tạo?

Địa chỉ đầu tiên phải hướng về là các trường dạy nghề sân khấu, điện ảnh; cần đào tạo thêm cho các nghệ sĩ trẻ những kỹ năng này. Nhưng thực tế, diễn viên ra trường rất yếu về ca hát, nhảy múa. Một nghệ sĩ từng than thở: “Có lần tôi tập tuồng chung với các bạn, trong đó không ít người đã nổi tiếng, nhưng nhảy có một lát thôi mà ai nấy thở hồng hộc, và đòi bỏ đi màn nhảy múa. Thấy khó thì đòi bỏ chứ không muốn rèn luyện”.

Đạo diễn Chánh Trực nói: “Nhà trường không dạy đầy đủ thì mỗi diễn viên phải tự ý thức học riêng, tự rèn luyện mình. Hồi xưa, tôi học thêm ở đội kịch Tuổi Ngọc của thầy Lê Cường, có cả môn kịch câm. Rồi có giai đoạn tham gia lớp tập huấn do Hiệp hội Sân khấu Hoàng gia Thụy Điển tổ chức, vừa được học, vừa được tham quan các sân khấu nước ngoài. Tôi thấy diễn viên của họ rất nhạy về âm nhạc, họ học ca múa như một điều tất yếu, và giỏi cả kịch câm, hình thể. Mình phải ý thức tự học thêm thôi”.

Thực tế, lên sàn tập, đạo diễn rất vất vả khi phải huấn luyện cho diễn viên về những kỹ năng mềm đó. Đạo diễn Thành Lộc từng “mệt” với nàng Kiều Nguyệt Nga – Lê Phương (vở Tiên Nga), bởi Lê Phương hơi yếu về phần ca hát. Tuy nhiên, cô đào đẹp này rất kiên trì khổ luyện và thành công. Đạo diễn Chánh Trực cho biết anh cũng “mệt” với các diễn viên trong vở Công lý như mặt trời, vì tay chân các bạn không uyển chuyển để diễn cổ trang, và chỉ có tập thật nhiều mới hoàn thành theo yêu cầu. “Nếu các bạn đã học trước rồi thì đỡ mất thời gian trên sàn tập. Mà coi như sàn tập là nơi đào tạo cũng không phí đâu. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng các bạn nên ý thức rèn luyện các kỹ năng này, cơ hội sẽ đến nhiều hơn”, đạo diễn Chánh Trực nói.

Theo Hoàng Kim/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)