Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Diễn viên… đẹp quá, làm sao bây giờ (!?)

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân vật mới ra tù vẫn đẹp như… Thúy Vân "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang"; sống ở làng quê nghèo và chật vật mưu sinh nhưng cô gái nào cũng răng trắng sáng, mày sắc sảo, da mặt mịn màng không tì vết… Diễn viên bây giờ đẹp "bất chấp" trên phim!

Đó chính là cảm nhận không mấy dễ chịu của nhiều người xem hiện nay, khi trên màn ảnh nhỏ là muôn vàn những vẻ đẹp… khó chấp nhận của các diễn viên hóa thân vào vai diễn lam lũ, cơ cực, khốn khổ, sống ở làng quê nghèo hay xóm lao động… Chưa kể, như nhìn nhận của một số đạo diễn, gương mặt của nhiều diễn viên nữ gần như ngày càng đẹp đều với sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ để có sống mũi cao, cằm nhọn, môi mọng, mày sắc – đậm, mắt cắt mí, da mịn căng…

Nhân vật Xuân (Cao Thái Hà đóng) đẹp mịn màng, dù là vợ của cựu tù nhân nơi quê nghèo nắng gió, trong Mẹ rơm. Ảnh: V.F.C

Sự hoàn hảo vô nghĩa?

Chia sẻ với báo giới về vai diễn trong phim The glory – Vinh quang trong thù hận (phim Hàn gây sốt tại VN và sắp ra phần 2 vào tháng 3 tới), diễn viên nổi tiếng Song Hye-kyo cho rằng khi vào vai nữ sinh từng bị bạo lực học đường và dành cả thanh xuân để lên kế hoạch trả thù, cô hầu như không trang điểm. Có không ít ý kiến chê Song Hye-kyo già đi và không còn xinh đẹp khi xem phim. Theo nữ diễn viên sinh năm 1981 này, cô thừa nhận mình cũng già đi như bao người, song rất hài lòng vì bản thân giống với nhân vật trong phim. Cô cho biết khi nhân vật mình thể hiện đã trải qua quá khứ kinh khủng và vẫn đang chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần suốt nhiều năm mà xuất hiện với vẻ ngoài hoàn hảo thì thật vô nghĩa.

Các diễn viên có quyền làm đẹp, chỉnh sửa một chút để hài hòa, nhưng sao cho tự nhiên và vẫn giữ được nét riêng của mình như đã được yêu mến, chứ đừng đẹp mà thành… người khác để rồi đánh mất cơ hội làm nghề.
Biên kịch Hạnh Ngộ
Ngay sau bộ phim ấy, Nữ chủ – một series phim hành động VN – cũng được chú ý với sự trở lại của Thúy Ngân cùng những pha hành động, thanh trừng khốc liệt, những âm mưu trừ khử lẫn nhau giữa các bà vợ và nhân tình của ông trùm, mà trong đó Thúy Ngân chính là "nữ chủ". Khác với những phim trước, Thúy Ngân ghi điểm với người xem khi cho thấy sự tiến bộ trong diễn xuất, nhất là các pha hành động (cô tự thực hiện hầu hết các cảnh quay hành động; biên kịch – đạo diễn Hoàng Anh xác nhận vai diễn này giống như vắt kiệt sức của Thúy Ngân). Tuy nhiên, điều không khó nhận ra là vẻ đẹp bất chấp hoàn cảnh của nhân vật Hải Đường mà cô thủ diễn đã làm giảm đi ít nhiều sự thương cảm nơi người xem. Dễ thấy nhất ở tập 5, Hải Đường mới ra khỏi cửa trại giam nhưng đẹp không thua người mẫu chuẩn bị bước lên sàn diễn, nhất là khoảnh khắc cô lấy kính đen cực ngầu đeo vào và bước đi trong làn tóc tung bay… Và ở tập trước, khi trong tù, Hải Đường cũng đẹp không tì vết.

Hải Đường (diễn viên Thúy Ngân) thật đẹp khi mới ra tù, trong phim Nữ chủ. Ảnh: V.O

Trước đó, bộ phim Mẹ rơm dù lấy nước mắt người xem với những thân phận ám ảnh nhưng cũng gây không ít "khó hiểu" khi một số diễn viên (nữ, trẻ) vào vai lam lũ mưu sinh ở vùng quê nghèo khó với "gió như phang nắng như rang" mà ai cũng sáng đẹp mịn màng cùng hàm răng trắng tinh (cả diễn viên nam lẫn nữ). Còn trong Nghiệp sinh tử, diễn viên vào vai thôn nữ nghèo mà gương mặt luôn được trang điểm kỹ, quần áo mới tinh dù đi… lượm củi hay thưa kiện, lẫn đi ngủ…

Tự hạn chế vai diễn

Theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền, hầu hết các diễn viên đều làm răng sứ, điều này ảnh hưởng ít nhiều đến nhân vật họ đảm nhận. Anh ví dụ: "Trong Mẹ rơm, với nhân vật anh Khoản (Cao Minh Đạt đóng), chúng tôi bắt diễn viên uống cà phê, ngậm xác cà phê để giảm bớt phần nào độ trắng của răng, nhưng đến lúc quay nói chuyện một chút cũng bay hết… Đành chịu thôi! Người làm phim ai cũng ý thức chuyện đó, vì phần nhìn ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của khán giả". Một số đạo diễn cũng thừa nhận tìm diễn viên đóng tốt mà răng còn màu tự nhiên, môi chưa phun/xăm, mày chưa phun/điêu khắc khó lắm. Nên dù họ có vào vai nghèo hay khổ nhưng sự "sắc sảo, sáng đẹp thường trực" trên gương mặt vô tình "kéo mood" người xem xuống; chứ tổ hóa trang hay đạo diễn, nhà sản xuất nào muốn như thế.

"Thực tế cho thấy việc chỉnh sửa trên gương mặt để tạo sự hài hòa, hoặc "đập đi xây lại" nhằm cải thiện vẻ ngoài đã trở thành xu hướng không chỉ của diễn viên, người nổi tiếng. Với người làm nghề diễn xuất, chỉnh sửa ít không sao, nhưng nếu phẫu thuật thẩm mỹ bị lạm dụng, với nét đẹp phổ biến, sẽ không còn vẻ đặc biệt và sự nhớ nhung riêng của khán giả dành cho mình", biên kịch Hạnh Ngộ chia sẻ. Cô cho biết có 3 trường hợp mà cô thấy tiếc là diễn viên A., diễn viên H và diễn viên V., những gương mặt vốn có vẻ đẹp tự nhiên và dễ nhớ nay không còn "màu sắc" của riêng mình, khi đã không thoát được xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ. "Những diễn viên này khó nhận vai diễn trong phim xưa nữa, hay các vai có số phận khắc nghiệt; thậm chí bị hạn chế trong diễn xuất vì các cơ mặt, các cử động trên gương mặt sẽ bị ảnh hưởng vì đụng đến dao kéo nhiều lần", biên kịch của Tóc rối, Bản chồng, Nơi ngọn gió dừng chân… nói.

Theo Nguyên Vân/TNO 

Bình luận (0)