|
Diễn viên Hiếu Hiền rất bức xúc trước ý kiến cho rằng lời thoại của anh "dơ bẩn" – Ảnh: Lữ Đắc Long |
Mang đời thường lên phim
Phim ảnh là đời thường, hành động và lời nói càng đơn giản, gần gũi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chẳng hạn trong phim Ngôi nhà hạnh phúc, lời thoại của tôi có câu mà khán giả đã không tiếc lời phê phán trên mạng. Khi diễn viên Tường Vy hỏi: Cục thịt ơi cục thịt, em là cục vàng, vậy con mình là cục gì? Tôi thoại lại rằng: cục cứt. Trong cuộc sống, bạn có thấy nhiều khi cha mẹ bế con mình lên nựng nịu mà rằng: Ôi cục cứt của ba, cục cứt của mẹ… Đó chỉ đơn giản là câu nói yêu thương cửa miệng của cha mẹ dành cho đứa con chứ đâu phải là câu chửi dơ bẩn, tục tĩu? Tôi đã nghe câu đó rất nhiều, thậm chí chính tôi cũng từng ẵm cháu mình lên mà nói như thế.
Hay như câu Tao chém chết mẹ mày, thằng mất dạy! (phim Bỗng dưng muốn khóc) không hẳn là câu tục. Nếu như tôi nhớ không lầm, thì một nhà báo nào đó đã từng viết rằng "đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có cần phải đưa ngôn ngữ của dân đầu đường xó chợ vào phim không?", tôi cho nhận định như thế là sai lầm, bởi người đó đã bao giờ nghe dân đầu đường xó chợ nói chưa, xin lỗi, họ nói tiếng trước tiếng sau đều có đệm chửi thề cả. Đó mới chính là dân đầu đường xó chợ, và tôi đang thủ vai của tầng lớp đó. Họ không được học cao nên phải lăn lóc ngoài đời mưu sinh bằng việc buôn gánh bán bưng. Nhưng cũng đừng vội quy kết câu nói ấy cho dân đầu đường xó chợ, một số người trí thức đôi khi còn chửi thề ghê hơn thế. Mà trong cuộc sống hằng ngày, những câu thoại kiểu như "Tao chém chết mẹ mày, thằng mất dạy" hay "Đừng giỡn mặt nghe, đánh thấy mẹ à"… cũng rất gần gũi, chẳng có gì là "đầu đường xó chợ" cả. Những câu như vậy thậm chí, xin lỗi, tôi từng nghe những người là công nhân viên chức nói nhiều nữa là khác. Cho nên khi biến thành lời thoại trong phim Bỗng dưng muốn khóc, tôi không hề hối hận. Tôi, đạo diễn và những ai thích vai của Hiếu Hiền đều chấp nhận được câu thoại này.
Oan ức cho tôi quá!
Với những câu thoại đó, tôi đều có hỏi ý kiến đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và anh cũng đồng ý. Sau này tình cờ lên mạng thấy một số khán giả cho rằng "dơ bẩn", tôi uất ức đến nỗi từng muốn lập ra hẳn một diễn đàn để tranh luận về vấn đề đó. Lúc ra Hà Nội tham gia một chương trình quảng cáo, với những khán giả đến ôm và xin chữ ký, tôi đều tranh thủ thăm dò xem họ có cảm thấy những câu thoại của tôi tục không. Tất cả đều trả lời tôi diễn vui, thậm chí còn thấy khoái. Điều gì mà bị oan ức, tôi phải đem hỏi người khác. Tôi hỏi 100 người, thì 100 người thích câu đó. Họ đã xem với tấm lòng rất cởi mở, vì vậy mới thấy vai diễn của tôi rất gần gũi với đời thường. Ai lại tự đi bôi bác phim mình đóng chỉ vì câu thoại cơ chứ. Nhưng tôi muốn làm sao để người xem cảm nhận được phim ảnh phản ánh đích thực, gần gũi với cuộc sống hàng ngày nhất.
Nếu để ý sẽ thấy phim của các anh chị diễn viên ngoài Bắc xuất hiện rất nhiều từ quá ư gần gũi với đời thường, thậm chí có những câu chửi luôn. Tôi xem mà vẫn thấy thích, vì những câu như thế mang vào phim nhằm tạo sự gần gũi và chân thật. Bấy lâu nay, ai cũng nghĩ phim ảnh là phải toàn những gì tốt đẹp nhất, tròn trịa nhất, như vậy chẳng phải quá xa rời thực tế sao? Thành thử mới có chuyện cho rằng thoại của tôi là "tục tĩu", là "dơ bẩn".
Dẫu biết rằng diễn viên là nghề làm dâu trăm họ, nhưng đôi lúc cũng thấy oan ức cho mình quá!
Đường Lam (Theo TNO)
Bình luận (0)