Mít tinh hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH)” hàng năm không chỉ tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân mà còn giúp cộng đồng tham gia những việc làm cụ thể thiết thực góp phần phòng chống và đẩy lùi bệnh SXH tại gia đình.
Ra quân chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết mùa mưa năm 2018 tại TP.HCM |
Cùng với cả nước, chuẩn bị kỷ niệm “Ngày ASEAN phòng chống SXH” lần thứ 7 tại Việt Nam, 24 quận, huyện tại TP.HCM đã đồng loạt ra quân chiến dịch phòng chống bệnh SXH trong những tháng đầu mùa mưa năm 2018.
Không để thành dịch
Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa nên bệnh SXH có thể trở nặng bất ngờ và dẫn đến tử vong. Theo quy luật, SXH xảy ra quanh năm đặc biệt vào mùa mưa là cao điểm và có thể biến thành dịch. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Q.7, năm 2017 toàn quận có 670 ca mắc SXH nhưng trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 165 ca tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại P.Tân Phú đã tăng 14 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy số ca SXH không hề giảm mà có chiều hướng gia tăng dù chưa vào mùa mưa. Tại các BV như BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhiệt đới và BV tuyến dưới thuộc các quận/ huyện số bệnh nhân nghi bị SXH và bị SXH bắt đầu chiếm số lượng lớn. Đây cũng là thời điểm Chương trình phòng chống SXH TP.HCM của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM bắt đầu đi vào nhiều hoạt động nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số lượng bệnh nhân nhập viện do SXH trong mùa mưa để tránh có thể thành dịch lớn.
BS Lê Xuân Thủy – Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, SXH thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau. Theo BS Thủy, SXH lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi từ người bệnh sang người lành. Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C. Đây chính là môi trường thuận lợi nhất để muỗi vằn sinh sống và có thêm cơ hội truyền bệnh SXH cho con người.
Nâng cao ý thức diệt muỗi
Tuy nhiên theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện nay vẫn còn nhiều nơi nhiều người chưa thấy được sự nguy hiểm của bệnh SXH cũng như họ nhà muỗi gây ra căn bệnh này. Nhiều gia đình vẫn có thói quen phơi móc quần áo, đồ đạc đầy nhà, ngủ dậy không xếp mùng mền, ít quét dọn các góc nhà xó bếp. Đây chính là chỗ ở lý tưởng cho họ nhà muỗi trú ngụ kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Một số người có thói quen ngủ hóng mát không chịu mắc mùng/ màn cũng là món mồi ngon cho họ nhà muỗi chích hút máu để truyền bệnh. Anh H. một cư dân ở chung cư Hà Đô, P.3, Q.Gò Vấp nghĩ rằng ở lầu cao thì khó có muỗi bay lên được. Tuy nhiên, sau khi đứa con gái 7 tuổi bị SXH anh mới biết là nguyên nhân do muỗi vằn chích truyền bệnh trong khu chung cư. Tại nhiều vùng ven, vùng ngoại thành như Q.12, Củ Chi, Bình Chánh, các dụng cụ chứa nước như chum vại, phuy, giếng, ao hồ… cũng là nơi để cho muỗi sinh sôi nảy nở gây ra bệnh truyền nhiễm và trở thành đại dịch trong mùa mưa.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Chủ tịch UBND Q.7 trao đổi, để ngăn chặn dịch SXH vào mùa mưa trước hết phải ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát nguy cơ gây bệnh và có những giải pháp thích hợp sau đó. Người dân biết khống chế bệnh bắt đầu từ việc loại bỏ những dụng cụ chứa nước ngăn không cho muỗi phát triển. Trong một tuần mọi người dành thời gian 10 đến 15 phút làm sạch chỗ cư trú và trong nhà để hạn chế mức thấp nhất tình trạng đọng nước như ly chén, chai lọ bể, lon đồ hộp. Thu xếp các vỏ xe cũ, gáo dừa gọn gàng, có đồ đậy tránh đọng nước để ngăn không cho muỗi có cơ hội đẻ trứng. Bên cạnh đó chính quyền địa phương kiểm soát tốt các điểm nguy cơ, diệt lăng quăng lồng ghép với các buổi sinh hoạt truyền thông để người dân hiểu tác hại của bệnh SXH và nguy cơ gây bệnh từ muỗi vằn. Trung tâm y tế dự phòng cơ sở kết hợp với Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ, y tế công lập và ngoài công lập chung tay tạo nên một môi trường sống sạch sẽ, không có lăng quăng đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đặc biệt cần quan tâm đến thai phụ và trẻ em là 2 đối tượng có nguy cơ cao về bệnh SXH thường để lại hậu quả xấu.
“Ngủ mùng kể cả ban ngày, không cho trẻ chơi góc tối để tránh muỗi đốt, đuổi và diệt muỗi bằng nhang xông muỗi, bình xịt muỗi là cách phòng chống muỗi đốt ở nhà” – BS Nguyễn Thành Huy – Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyên dặn.
Phương Đăng
Bình luận (0)